Theo Trung tâm Đào tạo vũ trụ Nga, ông Alexei Leonov qua đời hôm qua, 11/10, tại Moscow, sau nhiều năm mang trọng bệnh.
“Đây là một mất mát to lớn”, phi hành gia Maxin Suraev (Nga) nói, đồng thời gọi ông Leonov là một “huyền thoại sống”.
54 năm trước, vào ngày 18/3/1965, phi hành gia Leonov đã làm nên lịch sử khi bước ra từ phi thuyền Voskhod-2 và trôi nổi 12 phút trong không gian.
Khoảnh khắc ông Alexei Leonov bước những bước đầu tiên ngoài không gian.
Nhiệm vụ Voskhod-2 diễn ra trong bối cảnh Liên Xô - Mỹ đang tích cực chạy đua chinh phục vũ trụ.
Dù có một số trục trặc, như việc ông Leonov gặp khó khăn trong việc trở lại phi thuyền và phi thuyền hạ cánh sai vị trí, nhưng chuyến đi bộ ngoài không gian của phi hành gia người Nga vẫn được đánh giá là thành công rực rỡ. Nó diễn ra trước khi Mỹ có chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên chưa đầy 3 tháng.
Chuyến đi của ông Leonov diễn ra trước sự kiện tương tự của Mỹ chỉ chưa đầy 3 tháng. Ảnh: Rex
Trước đó, ông là một trong số 20 phi công của Không quân Liên Xô được tuyển chọn kĩ càng để tham gia nhóm phi hành gia đầu tiên vào năm 1960. Tại đây, ông Leonov kết bạn với ông Yuri Gagarin - người đầu tiên bay vào vũ trụ.
Nói về cuộc “đi dạo” lịch sử trong không gian, phi hành gia gốc Siberia cho biết: “Trải nghiệm trong vũ trụ rất ly kỳ và hồi hộp. Tôi thậm chí còn nghe thấy tiếng tim đập, thấy hơi thở của mình.”
Ông Leonov (phải) và ông Gagarin (trái) trong một chuyến bay huấn luyện hồi năm 1966. Ảnh: RIA Novosti
Ban đầu, ông Leonov dự kiến sẽ là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng. Nhưng dự án tốn kém này đã phải hủy bỏ khi phi hành đoàn Apollo của Mỹ chính thức ghi dấu trên Mặt Trăng vào năm 1969, bỏ Liên Xô lại phía sau.
Sáu năm sau đó, phi hành gia Leonov lại trở thành người tiên phong bằng một dự án không gian khác, khi ông đảm nhiệm vị trí chỉ huy phi hành đoàn Liên Xô trong thử nghiệm Soyuz - Apollo năm 1975.
Ông Leonov (thứ 2 từ phải sang) là người chỉ huy phi hành đoàn Liên Xô trong thử nghiệm Soyuz - Apollo năm 1975. Ảnh: NASA
Ở thử nghiệm này, hai tàu vũ trụ là Soyuz-19 của Liên Xô và Apollo-18 của Mỹ được ghép nối tạo thành một trạm không gian tạm thời.
Sứ mệnh lắp ghép Apollo-Soyuz đã giúp chấm dứt cuộc chạy đua khai phá không gian giữa Liên Xô và Mỹ trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới trong mối quan hệ hợp tác không gian của 2 nước cho đến hôm nay, mà thành quả nổi bật là Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) được đưa vào hoạt động từ năm 1998.