Phí hạ tầng cảng biển tại TPHCM: Tăng đột biến, doanh nghiệp 'kêu trời'

Việc thu phí hạ tầng cảng biển được hy vọng sẽ làm giảm ùn tắc trong và ngoài cảng biển ở TPHCM. Ảnh: Ngô Bình
Việc thu phí hạ tầng cảng biển được hy vọng sẽ làm giảm ùn tắc trong và ngoài cảng biển ở TPHCM. Ảnh: Ngô Bình
TP - Hội đồng nhân dân TPHCM vừa thông quađề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tạiTPHCM. Theo đó, kểtừ ngày 1/7/2021, doanh nghiệp xuất hoặc nhập hàng hóa qua cảng biển ở thành phố này sẽ phải nộp thêm đến 4,4 triệu đồng/container.

Nhiều doanh nghiệp (DN) tỏ ra lo lắng vì hàng hóa xuất nhập khẩu vốn phải gánh nhiều khoản phí, nay phải trả thêm phí nên gặp thêm nhiều khó khăn.

Phí tăng đột biến

Bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty MP logistics cho rằng, việc thu phí cảng biển để đầu tư hạ tầng, góp phần giảm ùn tắc giao thông là điều hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần tính toán thời điểm thu, bởi sau thời gian dài chống chọi với dịch COVID-19, nhiều DN đang lao đao. Bên cạnh đó, chi phí logistics ở Việt Nam cũng đang ở mức cao ngất ngưởng nên việc thu phí sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho biết, cước tàu ở cảng biển đã tăng gấp 4 lần, làm cho DN kiệt sức, nay chuẩn bị “bồi” thêm phí hạ tầng cảng biển sẽ khiến DN thêm khó khăn. Theo ông Thông, từ trước tới nay, tại một số cảng biển có thu phí nhưng không tăng đột biến.  

Ông Thông cho biết, Công ty Phúc Sinh chuyên xuất khẩu hàng nông sản. Trung bình mỗi tháng xuất khoảng 400 container, tổng các loại phí phải trả trước đây khoảng 4 tỷ đồng/tháng, bây giờ đã lên tới 15 tỷ đồng/tháng. Sắp tới, nếu có thêm các khoản phí sử dụng hạ tầng cảng biển phát sinh nữa thì DN không biết xoay xở thế nào.Với mức chi phí quá lớn, khả năng phải đóng cửa là điều có thể xảy ra. “Đây là giai đoạn rất khó khăn của các DN, dịch COVID-19 đã làm cho nhiều DN kiệt sức và chưa thể hồi phục. Do đó, tăng thêm các loại phí hạ tầng cảng biển lúc này sẽ làm DN thêm điêu đứng”,   ông Thông nói.

Cảng biển ùn tắc

“Phải nâng cấp hạ tầng thế nào, chứ giờ cảng biển vẫn vậy, vẫn ùn tắc rất nhiều”, ông Thông nêu vấn đề, đồng thời đề xuất: “Nhà nước cần xây dựng cảng biển thông thoáng thì mới có thể thu phí”. Theo thống kê, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại TPHCM năm 2019 đạt khoảng 170 triệu tấn. Các cảng biển ở TPHCM còn dư công suất, vì hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh. Tình trạng ùn tắc giao thông ở các tuyến đường cửa ngõ cảng biển thường xuyên xảy ra, đã kìm hãm khả năng khai thác, phát triển các cảng, kéo theo nhiều hệ lụy như tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, tăng chi phí logistics... Do đó, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển sẽ được dùng đầu tư xây dựng, giảm ùn tắc ở những trục đường gần các cảng trên địa bàn TPHCM. Khi hạ tầng được đầu tư nâng cấp mở rộng, mỗi ngày DN có thể vận chuyển nhiều chuyến hàng, sẽ góp phần kéo giảm chi phí.

Theo ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TPHCM, hệ thống cảng biển TPHCM với 4 cụm cảng chính là Cát Lái, Nhà Bè, Sài Gòn và Hiệp Phước có vai trò chủ đạo kết nối vận tải hàng hóa của khu vực phía Nam. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các cảng biển ở TPHCM đang rất hạn chế, chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu kết nối, khiến tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên, dẫn đến chi phí logistics tăng cao và hiệu quả khai thác cảng giảm. Theo dự báo, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển sẽ tiếp tục tăng, nếu không gấp rút đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối cảng biển thì nguy cơ kẹt xe sẽ trầm trọng hơn càng kìm hãm tốc độ lưu thông hàng hóa, dẫn đến thiệt hại cho DN.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TPHCM: Việc thu phí để làm đường vào cảng tại TPHCM là cần thiết nhưng cần lưu ý thời gian thực hiện bởi các DN đang gặp nhiều khó khăn sau dịch COVID-19. Ðồng thời, TPHCM cũng cần lên danh sách các tuyến đường sẽ được đầu tư bằng nguồn tiền thu phí này, chứng minh được việc thu phí sẽ mang lại hiệu quả, lợi ích cho các DN.

MỚI - NÓNG