Tiền to vẫn cắt cỏ bằng liềm
Nếu như trước năm 2010, nguồn ngân sách chi cho BTĐB toàn quốc ở mức dưới 3.000 nghìn tỷ đồng/năm (bộ GTVT lúc đó luôn cho biết, chỉ đáp ứng được 50-60% nhu cầu vốn), thì đến nay, nguồn vốn cho công tác này thông qua Quỹ BTĐB (hình thành từ 1/6/2012) tăng nhiều lần.
Năm 2016, Quỹ BTĐB Trung ương có hơn 10.000 tỷ đồng; bao gồm, nguồn thu từ chủ ô tô 6.200 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng và nguồn chưa sử dụng năm 2015 hơn gần 500 tỷ đồng. Năm 2017, nguồn thu cũng khả quan khi báo cáo quý I của Văn phòng Quỹ Bảo trì Trung ương cho thấy, tính đến hết ngày 31/3, chủ phương tiện nộp phí đạt hơn 1.634 tỷ đồng/6.150 tỷ đồng kế hoạch, đạt hơn 120% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, như Tiền Phong phản ánh, dù nguồn thu tăng mạnh nhưng nhiều tuyến đường tồn đọng rác thải thường xuyên, cỏ mọc nhiều, vạch sơn đường, cột mốc không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn… Tình trạng công nhân quét đường bằng chổi (thay vì máy quét đường đang rất phổ biến), cắt cỏ bằng tay, vá đường bằng xô chậu, cuốc xẻng vẫn như trước đây.
Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý BTĐB (Tổng cục Đường bộ) thừa nhận có tình trạng thi công bằng biện pháp thủ công, chất lượng không đồng đều trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa đường bộ. Theo ông Điệp, nguyên do các gói thầu thiết kế chưa đủ lớn, thời gian ngắn (hiện là 3 năm) nên các nhà thầu chưa yên tâm đầu tư máy móc công nghệ để cơ giới hóa.
Ngoài ra, ông Điệp cho hay, tình trạng thủ công trong bảo trì bảo dưỡng, một số đơn vị chưa thực hiện đúng các công việc yêu cầu có phần do chủ trương cắt giảm định mức bảo dưỡng xuống 25 triệu đồng/km/năm (hơn 2 triệu đồng/km/tháng) được áp dụng các năm qua. Ông Điệp cho biết, mới đây, Bộ GTVT đã đồng ý tăng định mức lên 50 triệu đồng/km/năm. Định mức này dù vẫn chưa đạt so với định mức hiện hành nhưng sẽ tạo động lực để các đơn vị tham gia đấu thầu, đầu tư máy móc công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ cho hay, tới đây, khi hết thời gian của hợp đồng bảo trì đã ký (cuối năm 2017), Tổng cục Đường bộ sẽ thiết kế các gói bảo dưỡng trên các chặng dài, thời gian dự kiến kéo dài 5 năm để tạo điều kiện cho các nhà thầu đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại. “Chúng tôi sẽ ra đầu bài cho các nhà thầu dùng công nghệ hiện đại, chất lượng tốt hơn nhưng giá thành sẽ bằng hoặc thấp hơn các biện pháp bảo trì truyền thống” – ông Huyện nói.
Ai giám sát thu chi?
Hiện nay, việc thu phí bảo trì đường bộ được thu liên tục. Tuy nhiên, khó ai biết những đồng tiền này được chi ra sao. Chánh Văn phòng Quỹ BTĐB Trung ương Lê Hoàng Minh cho biết, đối với các tuyến quốc lộ (do Tổng cục Đường bộ thực hiện hoặc ủy thác cho các sở GTVT bảo trì), hầu hết đã được tiến hành đấu thầu. Chỉ có một số tuyến ngắn mới nhận bàn giao sau năm 2014 (thời điểm tập trung đấu thầu) được giao cho các đơn vị thực hiện bảo trì gần tuyến đó đảm nhận.
Với đường cấp tỉnh cấp huyện, Quỹ Bảo trì Trung ương hướng dẫn cho các địa phương tiến hành đấu thầu. “Tuy nhiên, do các công ty BTĐB của các địa phương vẫn thuộc UBND hoặc Sở GTVT quản lý, chưa cổ phần hóa nên các đơn vị này được đặt hàng bảo trì, chưa đấu thầu trên diện rộng” – ông Minh nói.
Ông Minh cho hay, các thành viên Hội đồng Quỹ BTĐB trung ương cũng đồng tình với quan điểm thiết kế các gói thầu quy mô lớn, kéo dài thời gian để đưa cơ giới hóa vào công tác bảo trì.
Một trong những tồn tại trong hoạt động quỹ BTĐB hiện nay là minh bạch thông tin. Tháng 5/2016, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB trung ương, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa chỉ đạo: Phải đặt sự minh bạch thu chi, sử dụng Quỹ BTĐB lên hàng đầu để người dân biết đồng tiền của mình đóng vào quỹ được chi như thế nào, đang nằm ở đâu, sử dụng ra sao. Không để người dân hoài nghi về hiệu quả hoạt động của quỹ. Tuy nhiên, đến nay, các khó khăn khi người dân muốn tìm hiểu về thông tin hoạt động của quỹ một cách chính thống, tập trung chưa được khắc phục.
Ông Minh cho biết, hằng quý, Hội đồng Quỹ họp để tổng kết, tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, việc thông tin chỉ được thông qua cơ quan báo chí chuyên ngành. Ông Minh thừa nhận, kênh thông tin tập trung, chính thống nhất là trang web của hội đồng quỹ. Tuy nhiên, truy cập trang này cho thấy, các báo cáo, nghị quyết của hội đồng quỹ hiện chỉ được cập nhật đến năm 2015.
Nói về nguyên nhân cập nhật thông tin chậm, ông Minh cho hay, do nhân viên phụ trách cập nhật thông tin liên tục thuyên chuyển, có trục trặc trong phối hợp đăng tải. “Chúng tôi chịu sự giám sát của các đoàn thanh tra, kiểm toán. Đó cũng là biện pháp minh bạch. Tuy nhiên, việc công bố thông tin minh bạch, chính thống trên trang điện tử của quỹ là cần thiết; chúng tôi sẽ khắc phục sớm để nhân dân và dư luận xã hội giám sát” – ông Minh nói.
Kiểm toán hoạt động của Quỹ BTĐB
Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước công bố kiểm toán công tác quản lý sử dụng quỹ BTĐB giai đoạn 2015-2016. Việc kiểm toán sẽ được thực hiện tại Văn phòng Quỹ BTĐB, Cục Đăng kiểm; Tổng cục Đường bộ VN; Tổng cục và các cục quản lý đường bộ, các ban quản lý dự án và quỹ BTĐB một số địa phương. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc kiểm toán này là nội dung cần thiết để Quỹ BTĐB có đánh giá toàn diện sau 5 năm hoạt động.
Ông Lê Hoàng Minh cho hay, trước đây, sau khi các Trung tâm đăng kiểm thu phí BTĐB sẽ được chuyển về tài khoản của Quỹ BTĐB Trung ương tại Kho Bạc Nhà nước, từ đó quỹ chi trả theo các kế hoạch được duyệt. Từ ngày 1/1/2017, nguồn thu phí BTĐB thu được chuyển về Kho Bạc Nhà nước, hòa vào ngân sách trung ương. Các kế hoạch chi được thông qua Bộ Tài chính, đúng theo quy định quản lý Ngân sách Nhà nước hiện nay.