Phẫu thuật chuyển giới, DJ Lina: Giống như mắt kém thì phải đeo kính

18 năm trong nghề DJ đưa Lina đi khắp thế giới và giờ là Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà.
18 năm trong nghề DJ đưa Lina đi khắp thế giới và giờ là Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Lực lưỡng nhưng không kém phần nữ tính, nữ DJ Lina Bradford từng có 11 năm học ballet tự nhận mình có sứ mệnh kết nối mọi người bằng âm nhạc và tình yêu thương. Chị cũng có cách riêng để lý giải do đâu một số người nhất thiết phải phẫu thuật chuyển giới.

DJ Lina Bradford vừa biểu diễn tại Hà Nội trong Liên hoan Âm nhạc SEA Pride do Đại sứ quán Mỹ tổ chức. Là một người chuyển giới có sự nghiệp thành công và hoạt động tích cực cho cộng đồng, Lina có nhiều cuộc gặp gỡ với giới trẻ Việt Nam.

Chị có thể kể về những hoạt động của mình cho cộng đồng LGBT ở Mỹ?

Tôi làm việc cho viện HMI (Harvey Milk Institute), nơi giống như trường trung học dành cho bạn trẻ LGBT. Ai đã xem Milk (phim đoạt giải Oscar nói về cuộc đời chính trị gia đồng tính Harvey Milk- PV) thì biết xuất xứ cái tên này. Cuối năm ngoái, tôi trở thành đại sứ toàn cầu của họ sau 8 năm làm việc. Tôi cũng là thành viên hội đồng của GMHC (Gay Men’s Health Crisis)- chuyên chăm sóc bệnh nhân AIDS từ những năm 1980. Tôi làm việc với SAGE (Services & Advocacy for GLBT Elders)- đem thức ăn tới cho những LGBT cao tuổi. Năm ngoái những sáng kiến của tôi may mắn được họ trao giải.

Tôi thấy mình được mở mang đầu óc khi ở bên những người đi trước. Bạn sẽ không biết mình đi đến đâu nếu không biết mình đến từ đâu. Với tôi, việc sử dụng thời gian rất quan trọng vì đó là tất cả những gì chúng ta có, và chúng ta không có nhiều. Nên tôi muốn học hỏi qua việc ngồi xuống nói chuyện với họ. Tôi muốn biết về các anh các chị của tôi, muốn biết những gì họ trải qua trong đời.

Nhiều người có quyền lực trong ngành công nghiệp giải trí đang đóng góp tài chính và công sức cho HMI và GMHC như Sarah Jessica Parker (diễn viên nổi tiếng từ loạt phim Sex and the city- PV) và Hillary Swank (dành Oscar với vai diễn chuyển giới trong Boys don’t cry- PV). Tôi vinh dự được là thành viên của cả hai gia đình lớn này. 

Giới tính là cái gì đó ở bên trong, được sinh ra một cách tự nhiên. Nhưng một số người lại muốn phẫu thuật bên ngoài để thể hiện nó. Quan điểm của chị về điều này?

Nếu bạn là một đứa trẻ có vấn đề về thị lực, mẹ bạn sẽ đưa bạn đi bác khám sĩ. Bác sĩ nói bạn cần đeo kính. Đó là điều hết sức bình thường, ai cũng cho là cần phải thế. Hãy tưởng tượng nếu bạn sống cả đời trong tình trạng mù dở, không thể nhìn cho rõ thì sẽ thật kinh khủng. Trong khi tôi có thể làm gì đó để bản thân nhìn tốt hơn, vậy tôi có nên làm không?

Điều gì khiến chị cảm thấy tuyệt vời nhất khi còn là nam giới?

Đầu tiên, tôi chưa bao giờ là nam... Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng (bởi tôi là người tin vào tâm linh) tôi biết tôi là ai trước khi tôi đến đây. Chuyến đi của tôi được thiết kế riêng cho tôi. Vì thế khi đến đây, tôi sẽ đến cùng những người hỗ trợ tôi. Bố mẹ tôi, ông bà tôi… mọi người đều đã ở đó, để ấp ủ nuôi dưỡng tôi trở thành người phụ nữ mạnh mẽ của hôm nay.

Vậy điều tuyệt vời nhất trong đời chị là gì, và điều thử thách nhất?

Khoảnh khắc kỳ diệu nhất đời tôi ở ngay đây, khi tôi đang có thể làm những gì tôi yêu và sống đúng với những gì mình tin tưởng từng ngày. Nếu tôi phải ra đi hôm nay thì mọi thứ tôi đã làm cho đến giờ đều là phúc lành. Tôi thuộc về hiện tại. Tôi sống mọi khoảnh khắc với sự tỉnh thức và thận trọng, tích cực và có mục đích. Tôi đang ở đâu thì đó đúng là nơi tôi muốn.

Thử thách lớn nhất là lúc nào tôi cũng băn khoăn không biết phải mặc gì. Do mỗi ngày tôi thường có vài ba việc để làm (mỗi việc lại cần một trang phục phù hợp). Mỗi khi di chuyển, tôi thường phải đem theo rất nhiều hành lý. Bởi tôi là người rất sáng tạo. Tôi không thể chỉ xỏ vào cái áo phông và quần bò. Tôi muốn thể hiện bản thân, thể hiện những cảm xúc của mình ra ngoài.

Được biết sau vụ xả súng trong quán bar dành cho người đồng tính ở Orlando, rất nhiều người bị thương cần được truyền máu nhưng bệnh viện vẫn không nhận máu của người đồng tính theo một đạo luật của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Chị nghĩ sao về điều này?

Vết thương từ vụ 11/9 tưởng như đã được hàn gắn thì vụ này giống như lột miếng gạc ra để thấy vết thương vẫn đấy. Tôi vẫn còn rất xúc động khi nói về chủ đề này. Vì nó giống như chúng ta đã tiến những bước dài về phía trước nhưng bỗng nhiên nó xảy ra kéo chúng ta lùi lại. 

Nhưng ở khía cạnh khác, nó thực sự là một cách để thức tỉnh mọi người, nhắc chúng ta rằng điều này có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Dù là một cách tồi tệ, nó vẫn mang mọi người đến gần nhau hơn. Nó khiến mọi cộng đồng trong xã hội đều đứng lên và nói: Không, anh không thể nói người này cao cả hơn người kia để có quyền cướp đi mạng sống của họ. Những việc như vậy cần phải chấm dứt ngay.

Về việc không nhận máu từ người đồng tính, đó là một dự luật cũ từ những năm 1980 nay đã được cải thiện. Rõ ràng là vào thời gian đó, đại dịch AIDS là có thật và không ai nên cho máu. Nhưng đã có nhiều tiến bộ cho đến lúc này. Tôi nghĩ họ nên bỏ quan niệm ngu ngốc cho rằng cuộc đời của ai đó không đủ tốt để có thể giúp đỡ anh chị em của họ. Họ chỉ việc phân tích mẫu máu để xác định nó đủ tốt hay không.

MỚI - NÓNG