Sáng 2/12, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập (2/12/1953 – 2/12/2023).
Dự lễ kỷ niệm có ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, các đại biểu khách mời quốc tế, lãnh đạo ban, bộ, ngành T.Ư và địa phương cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.
Ông Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - ôn lại lịch sử đầy tự hào suốt 70 năm hình thành và phát triển, từ tổ chức tiền thân Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học sau này là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Trong số những thành tựu nổi bật, Chủ tịch Viện điểm lại một số thành tựu nghiên cứu khoa học quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lịch sử, triết học, khảo cổ học, xã hội học, pháp luật, văn hóa, con người, tâm lý học, văn học, ngôn ngữ, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, khu vực và quốc tế, phát triển bền vững,… với hàng ngàn chương trình, đề án, đề tài các cấp được nghiệm thu thành công, hơn 7 nghìn đầu sách đã xuất bản, hàng vạn bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.
Ông Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. |
Bên cạnh thành tựu và khó khăn, ông Phan Chí Hiếu nêu: “Trong giai đoạn phát triển mới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xác định mục tiêu tổng quát là phát triển trở thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm về khoa học xã hội và nhân văn, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, là cơ quan nghiên cứu lý luận và tham mưu chiến lược, tư vấn chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, cung cấp luận cứ khoa học quan trọng cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tích cực tham gia phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội cho đất nước”.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng thành tựu của các nhà khoa học xã hội Việt Nam trong chặng đường 70 năm. Nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Các nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc và đất nước, con người Việt Nam, các giá trị và bản sắc văn hóa của dân tộc được thừa kế và phát huy trong suốt hàng nghìn lịch sử, khẳng định chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là những đánh giá khẳng định rất rõ vai trò của khoa học xã hội và của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đối với sự đất nước.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định những đóng góp to lớn của khoa học xã hội trong sự phát triển chung của đất nước. |
“Những đóng góp của khoa học xã hội có thể chưa định lượng được hết bằng các chỉ số nhưng đã tác động mạnh mẽ, làm thay đổi con người và xã hội Việt Nam mấy chục năm qua. Đây cũng là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước”, Phó Thủ tướng nêu.
Thực tiễn phát triển cho thấy, các quốc gia thành công đều là các quốc gia biết trọng dụng khoa học xã hội, có nền khoa học xã hội hùng mạnh và xã hội vừa hiện đại vừa truyền thống, vừa bứt phá vừa kế thừa.
“Nhiệm vụ của khoa học xã hội không chỉ làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn mới về mô hình phát triển, các giá trị lịch sử mà còn thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Việt Nam, giải phóng, phát triển sức sản xuất, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đón nhận Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trao tặng. |
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rẳng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cần kiến tạo môi trường làm việc khoa học, tôn trọng tự do học thuật, đề xuất các cơ chế tài chính đột phá, đánh giá khách quan, công bằng để ghi nhận, tôn vinh, tạo cơ hội phát triển cho những cán bộ có năng lực và có nhiều đóng góp. Ươm trồng, phát triển các ý tưởng khoa học mới, phát triển hoạt động hợp tác về nghiên cứu khoa học.