Phát triển sản phẩm thổ cẩm truyền thống gắn với du lịch

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những sản phẩm thổ cẩm được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Thái, huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa có sức hút kỳ lạ đối với các du khách tham quan và nghỉ dưỡng ở các địa điểm du lịch.

Nhờ gắn với hoạt động du lịch cộng đồng Pù Luông mà nghề dệt thổ cẩm đang được quan tâm phát triển, những người phụ nữ nơi đây cũng có điều kiện tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Nghề dệt thổ cẩm ở huyện miền núi Bá Thước có truyền thống từ lâu đời. Đến những gia đình người Thái nơi đây, không khó để tìm thấy những khung cửi dệt thổ cẩm trước nhà. Theo truyền thống địa phương, để có được sản phẩm thổ cẩm đẹp, người phụ nữ Thái phải trải qua một quá trình lao động sáng tạo và tích lũy kinh nghiệm lâu dài.

Ngay từ thuở nhỏ, các cô gái Thái đã được các bà, các mẹ tập cho làm quen việc nhặt bông, xe sợi. Vì vậy, phụ nữ Thái lớn lên ai cũng biết dệt vải. Hiện nay, khi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, việc mua vải may trang phục; chăn, đệm, gối... không khó khăn gì đối với các gia đình thì những khung cửi dệt cũng đang dần bị lãng quên. Thế hệ trẻ cũng không còn đam mê với nghề dệt thổ cẩm. Cũng vì vậy mà nhiều nơi người dân chỉ sản xuất cầm chừng theo tính chất tự phát.

Riêng các xã thuộc khu vực vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nhờ phát triển du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm truyền thống mà nghề dệt thổ cẩm đang được quan tâm phát triển.“Thủ phủ” của nghề dệt thổ cẩm Bá Thước là khu vực quanh chợ Phố Đòn thuộc xã Lũng Niêm, với gần 100 hộ dân tham gia.

Phát triển sản phẩm thổ cẩm truyền thống gắn với du lịch ảnh 1

Sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Thái ở Bá Thước hướng đến khách du lịch

Theo chân cán bộ Văn hóa xã Lũng Niêm, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lò Thị Minh, thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước. Ngôi nhà sàn của gia đình chị Minh nằm ngay bên đường. Vừa đến đầu ngõ chúng tôi đã nghe lách cách tiếng con xe gõ vào khung dệt. Phụ nữ nơi đây thường tranh thủ ngồi vào khung cửi dệt vải vào những buổi trưa, buổi tối sau khi đi làm nương rẫy về, hoặc những ngày trời mưa.

Tiếp chuyện chúng tôi, chị Minh kể, ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, chị đã gắn bó với khung cửi dệt. Năm lên 12 tuổi, chị bắt đầu được mẹ dạy dệt những hoa văn đầu tiên. Rồi chỉ một, hai năm sau chị đã dệt thành thạo các loại hoa văn sặc sỡ trên váy, áo, khăn hay chăn, đệm.

Chị Minh chia sẻ: “Theo phong tục của người Thái đen nơi đây, con gái lớn lên phải biết dệt vải, tự làm được chăn, đệm, quần áo trước khi về nhà chồng. Khi về nhà chồng, của hồi môn người con gái mang theo là bộ chăn đắp, đệm trải, gối... không chỉ đủ dùng cho 2 vợ chồng mà còn tặng cho bố mẹ chồng, anh và em của chồng, cô cậu bên nhà chồng. Cũng vì thế mà ngày ấy các cô gái trong làng đều biết dệt vải từ rất sớm. Những cô gái Thái dệt thổ cẩm giỏi thường được nhiều chàng trai để ý tới, bởi họ coi đó như là một tiêu chí quan trọng của người vợ sau này. Từ xưa đến nay, người dân nơi đây vẫn giữ phong tục tốt đẹp là mặc trang phục truyền thống bằng thổ cẩm vào những ngày tết hay ngày lễ lớn của dân tộc”.

Trước đây, việc dệt vải vất vả hơn nhiều do không có chỉ dệt mà phải tự làm chỉ dệt từ cây bông; nuôi tằm lấy sợi dệt vải; tự nhuộm màu bằng các loại cỏ cây hái trong rừng. Ngày nay, chỉ dệt được bán rộng rãi, đa dạng màu sắc, chất liệu ở các khu chợ, nên phụ nữ nơi đây dệt vải cũng đỡ vất vả. Còn những hoa văn dệt, cơ bản vẫn mang đậm nét truyền thống.

Cũng theo chị Minh, trung bình mỗi ngày, chị dệt được 1m vải thổ cẩm, tính theo chiều dài. Dù là khăn hay cạp váy, nếu tính trung bình 200 nghìn đồng mỗi mét, sau khi trừ chi phí nguyên liệu, cũng có lợi nhuận khoảng 150 nghìn đồng trong ngày. Tuy nhiên, đa phần phụ nữ địa phương lâu nay chỉ tranh thủ mỗi ngày vài tiếng, bởi thời gian còn lại vẫn phải lên nương sản xuất, chăn nuôi và làm công việc gia đình.

Phát triển sản phẩm thổ cẩm truyền thống gắn với du lịch ảnh 2

Tại thôn Lặn Ngoài, nhiều người đã gắn cả cuộc đời với hoạt động dệt thổ cẩm. Ở tuổi 65, tuy không còn khỏe như trước, nhưng bà Hà Thị Dân vẫn nhịp nhàng chân đạp, tay thoăn thoắt đưa con thoi. “Tôi biết dệt từ năm 13 tuổi, là người sinh ra tại thôn, lấy chồng tại thôn và gắn bó với nghề. Trong thôn thì nhiều người dệt, nhưng dệt hoa văn thì có tôi và một số người cao tuổi được đánh giá là đẹp nhất. Gia đình hiện có 2 khung cửi, người con dâu Hà Thị Khoanh, sinh năm 1984 cũng nối nghiệp tôi theo nghề” – bà Dân tự hào.

Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa), cho biết: Ngoài xúc tiến thành lập làng nghề truyền thống, huyện cũng đang triển khai các thủ tục đề nghị công nhận thổ cẩm thành sản phẩm OCOP (sản phẩm truyền thống theo chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”). Trong năm 2021 này, huyện đang phấn đấu có 3 sản phẩm OCOP là vải thổ cẩm, trà quýt hoi và mật ong Pù Luông. Huyện cũng mới ban hành cơ chế hỗ trợ 30 triệu đồng/1 sản phẩm nếu được công nhận đạt chuẩn OCOP. Nếu trở thành sản phẩm OCOP, thổ cẩm Bá Thước sẽ có cơ hội phát triển thị trường rộng mở hơn, quy mô lớn hơn.

Theo thống kê từ UBND xã Lũng Niêm, riêng thôn Lặn Ngoài hiện có 81 hộ duy trì nghề dệt thổ cẩm với hơn 200 phụ nữ tham gia; trong đó, 86 người lấy đó là nghề chính quanh năm, còn lại là kết hợp. Thu nhập trung bình của các lao động dệt thổ cẩm khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, nhiều người vẫn tranh thủ làm việc khác.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.