Trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề ATOMEXPO 2022, ông Nghiêm Xuân Hoàng, giám đốc năng lượng Công ty quản lý quỹ Saigon Asset Management, nói rằng, Việt Nam đi từ mức có rất ít năng lượng mặt trời vào năm 2017, lên tới 16GW điện mặt trời vào năm 2020, và đạt mức 17GW điện mặt trời, 4GW điện gió vào cuối năm 2021. “Đây là kết quả của các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ với lần lượt các cơ chế khuyến khích năng lượng tái tạo sử dụng giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) cho điện mặt trời và điện gió. Dự kiến tới năm 2030, điện gió trên bờ và gần bờ sẽ tăng lên 21GW, và điện gió ngoài khơi sẽ đạt mức 7GW”, ông Hoàng nhận định.
Ông Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) sang 22/11 phát biểu (trực tuyến) về nhân lực trong ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam tại hội thảo trong khuôn khổ ATOMEXPO 2022. Ảnh: Linh Nhi |
Ông Hoàng nói rằng, dựa trên dự thảo mới nhất ngày 11/11, phương án phục vụ quản lý - trong đó công suất các dự án gió trên bờ sẽ lên tới 13GW vào năm 2025 - tăng gần 9GW so với mức 4GW hiện nay. “Dự báo của chúng tôi cho rằng giá LCOE (giá trị hiện tại ròng cho mỗi đơn vị điện tạo ra trong suốt vòng đời của hệ thống điện) của các công nghệ năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục giảm, tạo điều kiện cho việc sử dụng nhiều năng lượng tái tạo trong hệ thống. Tuy nhiên, hàm lượng năng lượng tái tạo cao trong hệ thống điện cũng đặt ra một số vấn đề mà Việt Nam cần phải giải quyết”, ông Hoàng nói.
Đầu tiên là vấn đề về ổn định hệ thống, nghẽn lưới. Vấn đề này sẽ được giải quyết khi các công nghệ lưu trữ điện năng như pin lưu trữ, lưu trữ bằng khí hydro xanh, và thủy điện tích năng được phát triển nhiều hơn. Vấn đề tiếp theo là việc thu xếp vốn. “Hệ thống tài chính của Việt Nam chỉ có thể cung cấp vốn cho một phần của nhu cầu phát triển năng lượng tái tạo trong nước, do đó Việt Nam sẽ tiếp tục cần những nguồn vốn đầu tư tốt từ nước ngoài. Việc sử dụng đất cho các dự án năng lượng tái tạo cũng cần được quan tâm vì Việt Nam không có diện tích rộng lớn như một số nước khác, như nước Nga”, ông Hoàng nói.
Việt Nam cũng đang quan tâm đến việc gia tăng tỉ lệ nội địa hóa các dự án năng lượng tái tạo, nhất là các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như phần trục chính của turbine, cánh turbine, động cơ. Một số công ty nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, xây dựng các nhà máy chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Ngày 21/11, trao đổi với phóng viên bên lề ATOMEXPO 2022, ông Grigory Nazarov, Tổng giám đốc NovaWind (thuộc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga), cho biết, NovaWind hồi tháng 7 đã ký thỏa thuận hợp tác với một doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng nhà máy điện gió công suất 128 MW ở tỉnh Sơn La. “Chúng tôi rất quan tâm vấn đề kết nối với EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và diện tích đất được cấp vì nhà máy điện gió cần diện tích lớn”, ông Nazarov nói.