Nhu cầu điện hạt nhân thế giới tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tham dự triển lãm-diễn đàn hạt nhân lớn nhất thế giới ATOMEXPO 2022 đang diễn ra ở Nga, nhiều đại biểu phát biểu rằng, nhu cầu điện hạt nhân tăng cao trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và ưu tiên chống biến đổi khí hậu.

“Tôi tin rằng, diễn đàn này sẽ là sự khởi đầu rất tốt cho đối thoại về cách thức chúng ta quản lý, phát triển năng lượng nguyên tử tốt hơn với mục đích hòa bình, đem lại điều tốt đẹp cho nhân loại… Gia đình hạt nhân đang mở rộng và thêm các cơ sở hạ tầng hạt nhân đang thành hình”, ông Alexey Likhachev, Tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM), phát biểu tại lễ khai mạc ATOMEXPO 2022 ngày 21/11 ở thành phố biển Sochi.

Ông Mikhail Chudakov, Phó tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), chung nhận định khi nói rằng, nhu cầu điện hạt nhân đang tăng và nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực này sẽ tăng vài lần trong 3 thập kỷ tới, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt khủng hoảng năng lượng hóa thạch, đang dần chuyển đổi sang năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời. Dân số hành tinh xanh vừa vượt mốc 8 tỷ người, nên đây cũng là một lý do để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, và Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, đang phát triển mạnh điện hạt nhân, ông nói.

Theo ông Wang Shoujun, Chủ tịch Hội Hạt nhân Trung Quốc (một tổ chức phi chính phủ), tỷ trọng điện hạt nhân trong tổng cung năng lượng của nước này sẽ tăng gấp đôi và đạt 10% vào năm 2035. Trong những năm tới, Trung Quốc mỗi năm sẽ có thêm 6-8 lò phản ứng để đảm bảo an ninh năng lượng.

Trung Quốc hiện nay có 54 nhà máy điện hạt nhân với công suất lắp đặt 56 GW. Trong 6 tháng đầu năm nay, các nhà máy điện hạt nhân ở nước này sản xuất 198,99 billion kWh.

Nhu cầu điện hạt nhân thế giới tăng cao ảnh 1

Từ trái sang: Ông Alexey Likhachev, ông Mikhail Chudakov và bà Princy Mthombeni tại lễ khai mạc ATOMEXPO 2022. Ảnh: Linh Nhi.

Ít nhất 30 nước sẽ tăng sử dụng năng lượng hạt nhân

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán sản xuất điện hạt nhân sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Ít nhất 30 nước sẽ tăng sử dụng năng lượng hạt nhân như là một phần của viễn cảnh “không phát thải vào năm 2050” được trình bày trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới (WEO) mới nhất.

IEA cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu có thể trở thành bước ngoặt tiến tới một tương lai sạch hơn và an toàn hơn. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khởi phát từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đang tạo ra những thay đổi sâu sắc và dài hạn. Những thay đổi này có thể đẩy nhanh việc chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng bền vững và an toàn hơn, IEA nhận định.

“Các thị trường và chính sách năng lượng không chỉ thay đổi đáng kể trong giai đoạn hiện nay mà còn trong những thập kỷ tới. Phản ứng của các chính phủ khắp thế giới sẽ đảm bảo rằng hệ thống năng lượng sẽ chuyển dịch theo hướng sạch hơn, rẻ hơn và an toàn hơn”, ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA, nói.

WEO 2022 nêu những việc cần làm để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không trên toàn thế giới vào năm 2050. WEO 2022 còn đưa ra hai viễn cảnh khác, gồm viễn cảnh chính sách được tuyên bố (STEPS) và viễn cảnh cam kết được thông báo (APS). STEPS thể hiện đường đi dựa trên các biện pháp về năng lượng và khí hậu mà chính phủ các nước hiện áp dụng, cũng như các sáng kiến chính sách đang được phát triển. APS vạch ra cách thức thực hiện theo lộ trình và đầy đủ các cam kết, nghĩa vụ về phát thải ròng bằng không mà chính phủ các nước đã công bố.

Theo STEPS, sản lượng điện hạt nhân toàn cầu sẽ tăng từ 2.776 TWh vào năm 2021 lên 3.351 TWh năm 2030 và 4.260 TWh năm 2050. Trong khoảng thời gian này, tỷ trọng của các nhà máy điện hạt nhân trong tổng lượng sản xuất năng lượng vẫn duy trì ở mức 10%.

Viễn cảnh này đòi hỏi tăng công suất điện hạt nhân thêm 120 GW vào năm 2030 và thêm 300 GW nữa trong giai đoạn 2030-2050 ở hơn 30 nước.

Theo APS, mỗi năm sẽ có khoảng 18 GW công suất điện hạt nhân được bổ sung, cao hơn 1/4 so với STEPS. Tuy nhiên, nhu cầu về điện cao hơn trong viễn cảnh này có nghĩa rằng, tỷ trọng của điện hạt nhân trong tổng cung điện lực vẫn duy trì quanh mức 10%. Theo APS, sản lượng điện hạt nhân sẽ tăng lên 3.547 TWh năm 2030 và tăng lên 5.103 TWh năm 2050.

Trong viễn cảnh phát thải ròng bằng không, việc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện giúp hạn chế phát thải toàn cầu, và việc bổ sung trung bình 24 GW công suất điện mỗi năm trong giai đoạn 2022-2050 là gấp đôi công suất điện hạt nhân vào năm 2050. “Vẫn cần các nỗ lực lớn của cộng đồng quốc tế để xóa khoảng cách về mức độ đầu tư vào công nghệ sạch giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Vai trò tiếp tục của điện hạt nhân trong ngành điện phụ thuộc vào quyết định kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hiện nay và sự thành công của các chương trình xây mới”, báo cáo WEO 2022 nhận định.

Tuy nhiên, việc phát triển nhà máy điện hạt nhân ở một số nước cũng gặp trở ngại, chủ yếu vì vốn đầu tư ban đầu lớn và nhìn nhận của công chúng trong lĩnh vực này còn chưa thống nhất. Tại hội thảo bàn tròn “Các tổ chức phi chính phủ thúc đẩy công nghệ nguyên tử” diễn ra chiều tối 21/11 trong khuôn khổ ATOMEXPO 2022, bà Princy Mthombeni, người khởi xướng và phát triển tổ chức Thế hệ trẻ châu Phi với hạt nhân” (AYGN) của Nam Phi, đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về nâng cao nhận thức về ứng dụng năng lượng hạt nhân trong đời sống như điện lực, công nghiệp, y tế…

Nhu cầu điện hạt nhân thế giới tăng cao ảnh 2

Mô hình Lunokhod 1 – một trong hai chiếc tàu thăm dò Mặt trăng của Liên Xô, được tàu vũ trụ Luna 17 đưa lên Mặt trăng vào năm 1970 – đang được trưng bày tại ATOMEXPO 2022. Ảnh: Linh Nhi.

MỚI - NÓNG