Phát huy tối đa sức mạnh của thanh niên xây dựng đất nước

Phát huy tối đa sức mạnh của thanh niên xây dựng đất nước
TPO - Tại Hội thảo sửa đổi Luật Thanh niên theo hướng tiếp cận phát triển thanh niên vừa được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia khẳng định, sửa luật thanh niên là bộ luật hoàn toàn mới làm sao để phát huy được tối đa quyền, nghĩa vụ và lợi ích của thanh niên trong phát triển bản thân cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Dự và chủ trì buổi hội thảo có anh Nguyễn Ngọc Lương Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBQG về Thanh niên Việt Nam. Tham dự Hội thảo còn có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu; cùng đại diện Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Văn hóa, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Học viện Hành chính Quốc gia.

Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Thanh niên 2005 đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trách nhiệm của Nhà nước và các chủ thể đối với việc bồi dưỡng và phát huy thanh niên được khẳng định; quyền và nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của thanh niên được chú trọng, quan tâm trên tất cả các lĩnh vực: học tập, lao động, việc làm, khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật,... Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, Luật Thanh niên 2005 cũng đã bộc lộ những hạn chế trong công tác thi hành mà nổi bật nhất là chưa thấy rõ tác động của Luật trong đời sống xã hội.

Phát huy tối đa sức mạnh của thanh niên xây dựng đất nước ảnh 1 Các đại biểu tham góp ý kiến tại hội thảo
Tiến sỹ Hoàng Xuân Châu – Viện Nghiên cứu Thanh niên, đề xuất, cần đặt Luật Thanh niên ở vị trí đạo luật có giá trị cao nhất sau Hiến pháp, hình thành và vận hành hệ thống chính sách chuyên biệt về thanh niên. Luật cần khẳng định vai trò của thanh niên trong sự phát triển xã hội; tạo dựng những cơ chế cần thiết để đẩm bảo và phát huy vai trò của thanh niên trong xã hội; đồng thời hạn chế những biểu hiện tiêu cực trong thanh niên.

Tiến sỹ Trần Văn Miều – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ giáo dục, môi trường và phát triển cho rằng, sửa luật thanh niên cần hướng đến các nội dung cụ thể về trí tuệ, tinh thần, sức khỏe và năng lực phẩm chất của thanh niên, từ đó đề xuất Trung ương Đoàn nên có đánh giá hàng năm về chỉ số phát triển thanh niên cấp tỉnh và coi đây là giải pháp mang tính đột phá trong việc phát triển thanh niên giai đoạn mới.

Lắng nghe những phân tích, ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam đề nghị Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Thanh niên và Viện nghiên cứu thanh niên tổng hợp để lấy ý kiến, chuẩn bị dự thảo và lưu ý một số vấn đề:

Thứ nhất, cần khẳng định rõ vị trí vai trò và sứ mệnh lịch sử hết sức quan trọng của Luật Thanh niên năm 2005 trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và đối với thanh niên Việt Nam giai đoạn vừa qua.

Thứ hai, cần phải sửa đổi Luật Thanh niên năm 2015 để phù hợp với tình hình mới, Chính phủ cũng đã đưa nội dung sửa luật vào Chương trình làm việc năm 2019 để thấy rằng việc sửa đổi Luật là rất cần thiết.

Thứ ba, xác định sửa luật lần này cũng được coi là làm một bộ luật mới hoàn toàn với hướng tiếp cận mới – tiếp cận phát triển thanh niên, phát huy thanh niên.

Thứ tư, Luật Thanh niên mới phải tính tới chế tài thực hiện các quy định; cân đối nguồn lực đảm bảo, xác định cơ quan quản lý nhà nước thực hiện vấn đè này. Một số vấn đề khác như: dịch vụ công, đến đối tượng thanh niên đặc thù hay chỉ số phát triển thanh niên theo từng giai đoạn .... cần nghiên cứu để đưa vào các chính sách cho linh động, đúng tinh thần làm luật mới sao cho đồng bộ, hiệu quả và hiệu lực tốt.

MỚI - NÓNG