Phát hiện thiên thể đến từ Hệ Mặt Trời thứ hai trong vũ trụ

Các nhà khoa học xác nhận rằng vật thể bí ẩn bay ngang qua Mặt Trời hồi tháng trước đến từ một Hệ Mặt Trời khác trong vũ trụ.

Thiên thể bí ẩn được đặt tên là 1I/2017 U1(’Oumuamua). Các nhà khoa học tin rằng nó là một trong hàng chục nghìn vật thể không xác định trong vũ trụ và đến từ một Hệ Mặt Trời khác.

Theo Guardian, kết luận về nguồn gốc của thiên thể này bắt nguồn từ quá trình phân tích quỹ đạo bay của nó. Bên cạnh đó, quan sát qua kính viễn vọng cho thấy 'Oumuamua có nét tương đồng với một số sao chổi và tiểu hành tinh trong Hệ Mặt Trời của chúng ta. 

'Oumuamua được cho là một vật thể tối màu, hấp thụ 96% lượng ánh sáng chiếu trên bề mặt. Màu đỏ của nó là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của các phân tử hữu cơ, một trong những nhân tố cơ bản tạo nên sự sống.

Các nhà khoa học từng cho rằng các phân tử hữu cơ xuất hiện ở Trái Đất là do sự va chạm của các sao chổi và tiểu hành tinh trong vũ trụ. 'Oumuamua cho thấy quá trình tương tự có thể diễn ra ở Hệ Mặt Trời khác.

Hai nhóm nghiên cứu đã quan sát 'Oumuamua qua kính thiên văn và kết luận nó có chiều dài khoảng 400 m. Ngoài ra, các nhà thiên văn học ở Đại học California cho rằng khoảng 10.000 vật thể bay kiểu này có khoảng cách rất gần Mặt Trời, tuy nhiên chúng không được xác định.

Do di chuyển với vận tốc lớn, những thiên thể này không bị ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn từ Mặt Trời. Chúng mất khoảng một thập kỷ để đi vào và đi ra Hệ Mặt Trời của chúng ta.

Nếu tính toán của các nhà khoa học chính xác, mỗi ngày, khoảng 3 vật thể kiểu này tìm đến Hệ Mặt Trời trong lúc 3 vật thể khác "ra đi".

Trước đó, kính viễn vọng Pan-STARRS 1 của Đại học Hawaii phát hiện thiên thể bay qua Mặt Trời lần đầu vào ngày 19/10. NASA cho biết vật thể này đã an toàn đi qua Trái Đất vào ngày 14/10 ở khoảng cách 24 triệu km, gấp 60 lần quãng đường tới Mặt Trăng.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG