Phát hiện thêm 44 hang động kỳ vĩ ở Phong Nha - Kẻ Bàng

Động Thiên Đường, một trong những hang động đẹp và huyền ảo ở Phong Nha – Kẻ Bàng
Động Thiên Đường, một trong những hang động đẹp và huyền ảo ở Phong Nha – Kẻ Bàng
Hàng chục hang động có khối thạch nhũ vô cùng tráng lệ, nguyên sơ và chưa từng xuất hiện dấu chân con người vừa được phát hiện tại khu rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng.

Chiều 6-8, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) xác nhận nhóm nghiên cứu của đơn vị này vừa phát hiện thêm 44 hang động nguyên sơ trong khu vực VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Các động được phát hiện mới nằm trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng được phân bố nhiều nhất tại các xã Dân Hóa, Hóa Sơn, Trung Hóa, Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) với 33 hang động, tiếp đến là xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) với 9 hang động và cuối cùng là các xã Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) với 2 hang động.

Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu, bước đầu thông tin về 44 hang động được phát hiện mới nằm trong 6 hệ tầng địa chất khác nhau gồm La Khê, Bắc Sơn, Mụ Giạ, Cát Đằng, Mục Bãi, Lệ Ninh; trong đó phần nhiều các hang động tập trung chủ yếu ở hệ tầng địa chất La Khê và Bắc Sơn.

Đây là hai hệ tầng chiếm diện tích lớn nhất và có tuổi địa chất cổ trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng. Các hang động mới cũng đa phần phân bố ở các độ cao dao động từ 44 m đến 602 m so với mực nước biển, trong đó độ cao các động phổ biến nhiều nhất từ 200 m đến 350m.

Phát hiện thêm 44 hang động kỳ vĩ ở Phong Nha - Kẻ Bàng ảnh 1 Phong Nha - Kẻ Bàng nơi được mệnh danh là "Vương quốc hang động"

Theo quan sát và mô tả của nhóm nghiên cứu, thạch nhũ tại các hang động mới được phát hiện gồm 4 dạng cơ bản là thạch nhũ dạng mái và thác đá, thạch nhũ dạng phân tán, thạch nhũ được tạo bởi dòng chảy của nước, thạch nhũ do tích tụ của khoáng chất.

Ông Võ Văn Trí, Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, thành viên của nhóm nghiên cứu cho hay hầu hết các hang động mới được phát hiện trên chỉ mới nằm trong phạm vi nghiên cứu tiếp cận, xác định vị trí, mô tả sơ bộ. Do vậy, cần phải có khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu để làm rõ hơn giá trị qua đó có những nhận định chính xác trong việc bảo tồn và khai thác bền vững cảnh quan, hang động này.

Theo Theo Người lao động
MỚI - NÓNG