> Khai quật công trường khai thác đá cổ thành nhà Hồ
Đây là nơi những người thợ sinh sống trong thời gian khai thác, chế tác đá để xây dựng Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc – Thanh Hóa).
Một hố khai quật khảo cổ học tại công trường. Ảnh: Hoàng Lam. |
Theo tiến sĩ Trần Anh Dũng- Viện Khảo cổ học Việt Nam, nền lán trại vừa phát hiện được làm bằng đất sét trộn đá dăm, còn tương đối vững chắc. Qua khai quật lần này còn phát hiện hai viên đá khối vuông vức, với các vết đục đẽo tinh xảo, tương đối hoàn chỉnh, giống với những viên đá xây dựng Thành nhà Hồ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn phát hiện những lớp đá dăm cổ dày tới 80cm, trải rộng trên mặt bằng hàng trăm mét. Điều đó có thể nhận định rằng, khi triều nhà Hồ cho khai thác đá tại núi An Tôn để xây dựng Thành nhà Hồ được làm chủ yếu bằng thủ công, với số người tham gia rất đông.
Ngoài ra, trên mặt bằng của dãy núi An Tôn còn tìm thấy một số hiện vật đồ dùng sinh hoạt như mảnh bát vỡ, đồ sành sứ thời Trần- Hồ...