Phát hiện loài cây mọc nhan nhản ở Samoa có thể chữa ung thư, COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Cây psychotria insularum (matalafi) thuộc họ Thiến thảo. (Ảnh: Wikipedia)
Cây psychotria insularum (matalafi) thuộc họ Thiến thảo. (Ảnh: Wikipedia)
TPO - Lá của một loài cây mọc nhan nhản trên đảo Samoa chứa chất matalafi, có thể sử dụng để chữa ung thư, tiểu đường, Parkinson’s, các bệnh tim mạch, thậm chí cả COVID-19.

Trong nhiều thế kỷ, lá của loài cây psychotria insularum, người Samoa gọi là cây matalafi, đã được dùng để hạ sốt, đau nhức cơ thể, sưng tấy, phù chân và nhiễm trùng đường hô hấp. Một nghiên cứu mới phát hiện ra lá cây này chứa chất ibuprofen, có thể chữa nhiều bệnh nghiêm trọng khác.

“Lúc mới nghiên cứu tôi cũng nghi ngờ. Có rất nhiều niềm tin về loài cây được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền, nhưng tôi muốn tìm xem liệu tôi có thể cung cấp cơ sở khoa học cho một phương thuốc truyền thống của người Samoa hay không”, Seeseei Molimau-Samasoni, tác giả của nghiên cứu mới, cho biết.

Bà là quản lý bộ phận thực vật và công nghệ hậu thu hoạch của Tổ chức nghiên cứu khoa học Samoa.

“Bây giờ chúng ta có thể nhấn mạnh nó không chỉ là một loài cây chống viêm mà cả tiềm năng sử dụng để chữa ung thư, các bệnh thoái hoá thần kinh, tiểu đường, tim mạch và cả COVID-19”, bà nói.

Nghiên cứu của bà Molimau-Samasoni và các đồng nghiệp đã được đánh giá ngang hàng và sẽ được xuất bản trong Kỷ yếu của Viện Khoa học quốc gia Mỹ.

“Lá cây băm nhỏ rồi vắt nước. Các thầy lang thường dùng nó cho bệnh nhân uống. Đôi khi họ dùng lá cây để đắp lên những người đang bị ốm hoặc cần trị vết thương”, Molimau-Samasoni giải thích. Bà cho biết gia đình bà cũng thường sử dụng các bài thuốc truyền thống từ lá cây này.

“Tôi lớn lên với bà ngoại là một thầy lang. Khi bà tôi qua đời, bà truyền lại các bài thuốc cho tôi nên giờ tôi cũng là một thầy lang”, bà cho biết.

Molimau-Samasoni thừa nhận rằng có nhiều người hoài nghi và lưỡng lự với y học cổ truyền.

“Thách thức giữa y học hiện đại và y học truyền thống là mọi người thường chỉ tập trung vào một phương pháp y học trước khi tìm kiếm điều còn lại, đó là lý do mọi người thường tìm thầy lang để chữa ung thư nhưng tìm đến bệnh viện đã sang giai đoạn 4. Khi đó đã quá muộn để y học hiện đại can thiệp”, bà nói.

“Và tôi biết nhiều người nghĩ y học truyền thống chỉ là trộn các loại lá với nhau và chỉ có tác dụng như giả dược, nhưng hãy nhớ rằng y học truyền thống đã có đóng góp đáng kể cho y học hiện đại, ví dụ như aspirin”, bà nói thêm.

Bà Molimau-Samasoni cho rằng có thể mất vài năm nữa cây matalafi mới trở thành một loại thuốc được chứng minh, nhưng bà tin rằng đây là sự khởi đầu, không chỉ với matalafi mà cả những bài thuốc truyền thống khác của người Samoa.

Theo Guardian
MỚI - NÓNG