Con đường vừa phát lộ có nền đường bằng đá hộc xếp chồng lên nhau, có chiều rộng chừng 5 m, chiều dài hơn một km, nối từ dưới chân phía Nam của dãy Hoành Sơn lên cổng Hoành Sơn Quan ở trên đỉnh đèo.
|
Dọc đoạn đường này người ta còn phát hiện một số ngôi mộ cổ có nấm mồ bằng đá xếp chồng lên nhau. Các nhà chuyên môn nhận định rất có thể những ngôi mộ đá này là mộ của binh lính canh cổng Hoành Sơn ngày xưa.
Cơ sở cho nhận định này là khu vực Hoành Sơn Quan xưa có nhà ở cho lính canh cổng, nay chỉ còn nền đá do đã bị đổ sập.
|
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết việc phát hiện con đường Thiên Lý cổ vắt qua đèo Ngang rất có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử, về cách người xưa vượt con đèo hiểm trở này. Con đường đi qua trước bia Hạ Mã, ngay cổng đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, men theo triền núi, đi cheo leo lên Hoành Sơn Quan.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Bình cho rằng việc phát lộ này góp phần quan trọng giúp các nhà khoa học khảo cổ trong việc xác định lối đi của con đường Thiên Lý Bắc - Nam đoạn qua dãy núi Hoành Sơn.
Việc phát lộ con đường có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa. |
Hiện huyện Quảng Trạch đang cho tôn tạo tuyến đường vừa phát hiện nhằm tạo không gian văn hóa xưa cho người dân, du khách biết cha ông vượt Đèo Ngang như thế nào. Đồng thời cho khoanh vùng, lập hồ sơ đề nghị các cấp xếp hạng di tích lịch sử, phục vụ công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Cùng với quần thể Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh dưới chân đèo Ngang, nơi đây kỳ vọng trở thành một điểm du lịch tâm linh, văn hóa hấp dẫn nằm phái Bắc tỉnh Quảng Bình.
Con đường đá nối Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo Ngang. |
Theo sử sách ghi lại, đường Thiên Lý chính thức được xây dựng vào năm 1375, dưới thời Trần, nối liền Thăng Long (Hà Nội) với Tây Đô (Thanh Hóa). Qua thời nhà Hồ, vào năm 1402, con đường được đắp tiếp vào Châu Hóa (Huế).
Dưới thời Nguyễn, đường Thiên Lý được nối dài theo nghiệp mở nước về phương Nam của dân tộc. Sau khi thống nhất đất nước năm 1802, con đường Thiên Lý được hoàn thiện, nối liền 3 miền đất nước dưới thời vua Gia Long.
Năm 1833, vua Minh Mạng cho thiết lập cửa ải ở núi Hoành Sơn, hay còn gọi là Cổng Trời, thuộc địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, nhằm kiểm soát dân chúng, phòng ngừa kẻ gian qua lại.
Cổng Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo Ngang. |
Con đường Thiên Lý Bắc - Nam vừa được phát lộ nối từ đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh lên Hoành Sơn Quan, có chiều dài khoảng một km.