Phát hiện chất tạo nạc trong thịt gia súc
Ngày 24/5, đoàn công tác liên ngành của TP Vinh gồm Phòng Kinh tế, Công an TP Vinh, Trạm thú y, Đội trật tự đô thị và Trung tâm y tế thành phố đã kiểm tra điểm giết mổ tập trung tại xã Nghi Phú, TP Vinh. Đây là cơ sở giết mổ tập trung lớn nhất tỉnh Nghệ An, mỗi đêm giết mổ từ 140 - 200 con, thậm chí có thời điểm lên đến 400 con lợn.
“Đoàn liên ngành đang chờ kết quả kiểm tra xét nghiệm để có cơ sở xử phạt. Ngoài ra, nếu đúng là có chất tạo nạc trong lợn giết mổ thì chúng tôi sẽ đề nghị Công an TP Vinh mở chuyên án điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”.
Ông Nguyễn Quang Lâm, Trưởng phòng Kinh tế UBND TP Vinh
Tại thời điểm kiểm tra tại lò mổ tập trung này đang giết mổ hàng chục con lợn được đưa từ nhiều nơi đến. Đoàn liên ngành đã lấy mẫu test nhanh phát hiện các chất tạo nạc như Salbutamol, Clenbuterol… trong 3 mẫu trên tổng số 4 mẫu kiểm tra. Chủ của số lợn nhiễm chất tạo nạc này là Phạm Văn Hạnh. Đoàn liên ngành cũng đã yêu cầu ông Hạnh tạm dừng hoạt động giết mổ và lấy mẫu thịt gửi lên các cơ quan chuyên môn kiểm nghiệm một cách chính xác. 100kg thịt từ những con lợn được lấy mẫu cũng đã được niêm phong, lập biên bản.
Ông Nguyễn Quang Lâm, Trưởng phòng Kinh tế UBND TP Vinh cho biết, theo chủ lợn là ông Hạnh khai báo số lợn này có nguồn gốc từ một trang trại ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh mua từ chiều ngày 23/5, với số lượng là 30 con. Trước khi bị phát hiện, 20 con lợn có nghi vấn với chất tạo nạc đã được giết mổ và đưa đến người tiêu dùng.
“Đoàn liên ngành đang chờ kết quả kiểm tra xét nghiệm để có cơ sở xử phạt. Ngoài ra, nếu đúng là có chất tạo nạc trong lợn giết mổ thì chúng tôi sẽ đề nghị Công an TP Vinh mở chuyên án điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Lâm cho biết thêm.
Thiếu trang thiết bị kiểm tra
Ngoài Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP của tỉnh, còn có 21 đoàn của cấp huyện, thành, thị. Ngoài ra toàn tỉnh Nghệ An có hơn 500 đoàn nằm trong Ban chỉ đạo Liên ngành An toàn Vệ sinh thực phẩm của các xã, phường, thị trấn.
Ông Nguyễn Quang Lâm, Trưởng phòng Kinh tế UBND TP Vinh thừa nhận, việc kiểm soát chất lượng thịt gia súc, gia cầm từ trước đến nay gặp rất nhiều khó khăn. “Máy test cũng chỉ mới đầu tư kinh phí mua về được vài ngày, còn trước đây việc kiểm tra các chất trong thịt gia súc, gia cầm tại các lò giết mổ và nơi buôn bán hầu như bất khả thi. Gia súc, gia cầm trước đây khi đưa vào lò mổ cũng chỉ kiểm tra được có bị dịch bệnh hay không”, ông Lâm nói.
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hồng - PGĐ Sở Y tế, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Liên ngành An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện kinh phí cho việc kiểm tra còn thiếu, máy test nhanh cũng được Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm cấp cho các đoàn nhưng thiếu. Nhất là kinh phí mỗi lần test nhiều nên rất tốn kém. Sau khi có kết quả test nhanh nếu phát hiện dương tính lại phải gửi mẫu ra Viện vệ sinh an toàn thực phẩm trung ương để kiểm tra lại”.
Việc quản lý của chất lượng gia súc, gia cầm tại các lò giết mổ và điểm buôn bán tại TP Vinh còn có nhiều bất cập. Theo ông Nguyễn Tiến Đức, Trạm trưởng Trạm thú y TP Vinh, do thiếu trang thiết bị nên cơ quan thú y cũng chỉ kiểm soát được việc gia súc, gia cầm khi đưa vào lò mổ không bị nhiễm dịch bệnh. Còn chất lượng thịt có đảm bảo, có các chất cấm, chất tạo nạc hay không thì mới chỉ kiểm soát được tại các lò mổ tập trung.