Phát hiện ca bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm ở Hòa Bình

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đang điều trị một bệnh nhân sốt mò (Rickettsia), nhập khoa khi bệnh đã ở giai đoạn nặng với tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc, rối loạn nước điện giải, suy chức năng gan, viêm phổi, sốt cao mê sảng và nôn nhiều.

TS - BS Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, trước khi vào viện 1 tuần, bệnh nhân sốt cao liên tục, sưng hạch góc hàm, có 1 vết loét ở vùng cổ bên trái. Trước đó, bệnh nhân có đi nhặt củi ở trong vườn nhà.

Sau khi sốt và sưng hạch góc hàm, bệnh nhân có đi khám ở y tế cơ sở, được truyền dịch và dùng kháng sinh nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Trong quá trình thăm khám, chúng tôi phát hiện một vết thương nghi do mò đốt ở vùng cổ bên trái của bệnh nhân, vết thương không gây đau. Dựa vào dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ, đặc điểm của vết thương, chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị sốt mò và điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng sốt của bệnh nhân đã được kiểm soát, các tạng bị tổn thương đã có dấu hiệu hồi phục. Nếu không được chẩn đoán kịp thời, điều trị kháng sinh đặc hiệu với Rickettsia thì bệnh sẽ tiến triển nặng hơn và có nguy cơ tử vong.

Sốt mò là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Rickettsia orientalis (Orientia tsutsugamushi) gây nên, tỉ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đặc hiệu. Bệnh có biểu hiện đa dạng, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán. Sốt, đau đầu, đau mỏi khắp người, vết loét ngoài da do mò đốt (dấu hiệu đặc trưng của sốt mò), phát ban, sưng các hạch, tồn thương đa cơ quan (đặc biệt là phổi, tim, gan…) là dấu hiệu chủ yếu của bệnh. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng hay gặp ở lứa tuổi lao động. Bệnh có thể gặp rải rác trong năm nhưng hay gặp chủ yếu về mùa mưa và nắng nóng.

Phát hiện ca bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm ở Hòa Bình ảnh 1

Bệnh nhân sốt mò được cứu sống, hiện đã tỉnh táo. Ảnh: BS cung cấp

Mầm bệnh Rickettsia orientalis có ở trên ấu trùng mò và một số loài vật gặm nhấm-thú nhỏ (chủ yếu là ở chuột, chim hoặc ở chó, lợn, gà nhưng ít gặp hơn), được truyền sang người qua vết đốt của ấu trùng mò (Leptotrombidium). Bệnh không lây từ người sang người. Ấu trùng mò thường sống ở bụi cây, bụi cỏ ẩm ướt, các hang đá hoặc gốc cây nơi có các loài gặm nhấm sinh sống. Vì vậy, người bị bệnh sốt mò thường là khi đi làm nương rẫy, đi dã ngoại cắm trại dưới tán lá cây trong rừng, bộ đội hành quân, các trang trại chăn nuôi hoặc người đi qua vùng ven suối, ven sông, bìa rừng…

Biểu hiện trên người khi bị sốt mò: Thời gian ủ bệnh 6-21 ngày (kể từ khi bị ấu trùng mò đốt). Bệnh nhân thường sốt cao liên tục, kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người. Vết loét ngoài da do mò đốt lúc đầu là nốt phỏng tiến triển thành hình bầu dục trên nền sẩn đỏ, sau 4-5 ngày vỡ ra thành một nốt kích thước 0,5-2,0cm, có vẩy đen, bong vẩy sẽ để lộ nốt loét đáy nông, hồng nhạt, không có mủ, không tiết dịch, bờ viền hồng đỏ hoặc đen tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh, vết loét không đau (nên dễ bỏ sót). Vết loét gặp trong khoảng 80% các trường hợp bệnh, thường ở vùng da mềm: nách, bẹn, bộ phận sinh dục, ngực, cổ, bụng, vành tai hoặc một số ít có thể gặp vết loét ở lưng, mi mắt, rốn, mông. Tổn thương các tạng thường gặp nhất là phổi với tình trạng viêm phổi, tràn dịch màng phổi gây suy hô hấp cấp phải hỗ trợ bằng thở máy. Tiếp đến là gan với tình trạng tổn thương tế bào gan phải hỗ trợ bằng lọc máu liên tục và thay huyết tương. Bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp, viêm cơ tim, viêm não, viêm màng não…

Điều trị sốt mò: Sốt mò nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kháng sinh đặc hiệu thì dễ dẫn đến suy đa tạng và tử vong. Kháng sinh điều trị sốt mò là những kháng sinh thế hệ cũ, giá thành thấp nhưng rất đặc hiệu với sốt mò. Vì sốt mò không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định, biểu hiện của sốt mò rất giống với các bệnh lý nhiễm khuẩn khác nên dễ nhầm và bỏ sót bệnh, đặc biệt là các trường hợp không tìm được vết mò đốt và bệnh đã ở giai đoạn nặng khi đã có suy đa phủ tạng. Nhiều trường hợp không cắt nghĩa được nguyên nhân của tình trạng suy đa phủ tạng, khi đã sử dụng các loại kháng sinh thế hệ mới mà không kiểm soát được tình trạng nhiễm khuẩn thì dựa vào yếu tố dịch tễ, kinh nghiệm lâm sàng, thầy thuốc có thể điều trị thử (mò) theo phác đồ sốt mò. Nếu đúng là sốt mò thì tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân cải thiện rất nhanh chóng, đặc biệt là dấu hiệu sốt, sau đó là cải thiện các tạng bị suy.

Phòng bệnh sốt mò: Để tránh ấu trùng mò đốt thì khi đi vào nương rẫy, đồi núi, mọi người cần mặc quần áo kín, quần áo có tẩm hóa chất chống côn trùng như benzyl benzoate, bôi hóa chất xua côn trùng lên các vùng da hở. Tránh ngồi, nằm, phơi quần áo, đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Diệt chuột, sử dụng hóa chất diệt côn trùng.

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương. 
Đằng sau hợp tác không gian Mỹ-Nga-Trung
Đằng sau hợp tác không gian Mỹ-Nga-Trung
TP - Hợp tác không gian Mỹ-Trung và Nga-Trung đang được đẩy mạnh vì các chiến lược, chương trình không gian của 3 nước có nhiều điểm chung và giúp tăng cường quan hệ song phương về tổng thể trong bối cảnh địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt.
Tuần này VN-Index tiếp tục dò đáy?
Tuần này VN-Index tiếp tục dò đáy?
TPO - VN-Index giảm trong tuần qua, khối ngoại bán ròng kéo dài. Nhận định của một số chuyên gia, công ty chứng khoán cho thấy, trong tuần này VN-Index sẽ tiếp tục hành trình dò đáy trong ngắn hạn.