Chiều ngày 13/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM đã chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi và Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê chủ trì họp báo |
Báo cáo tại cuộc họp báo, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM Nguyễn Hồng Tâm cho biết từ 6 đến 12 giờ ngày 13/7, số trường hợp dương tính tại TPHCM được Bộ Y tế đã công bố là 1.251 ca (lúc 6 giờ sáng: 365 trường hợp; 12 giờ: 886 trường hợp).
Như vậy, tổng số trường hợp dương tính được Bộ Y tế công bố từ đầu mùa dịch đến thời điểm báo cáo tại TPHCM là 16.346 trường hợp. Trong đó: Số bệnh nhân đang điều trị là 15.647 người; số bệnh nhân xuất viện là 674 người (tỷ lệ:4,12%); số bệnh nhân tử vong là 25 người (0,16%).
Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM Nguyễn Hồng Tâm |
Trong các ca bệnh, 98% là lây nhiễm trong cộng đồng (16.095 trường hợp, chiếm tỷ lệ 98,46%).
Đáng chú ý, Lãnh đạo HCDC cho biết đến thời điểm này, Thành phố đã ghi nhận 70 ổ dịch, trong đó có 26 ổ dịch đang diễn tiến phức tạp, gồm: 6 ổ dịch liên quan đến các chợ, 12 ổ dịch trong các khu dân cư, 8 ổ dịch liên quan đến các công ty đang, khu công nghiệp. 44 ổ dịch hiện nay đã ổn định…
Trên 400 ca dương tính tại khu chế xuất Tân Thuận
Theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), sau khi phát hiện trường hợp F0 đầu tiên vào ngày 25/6, ngành y tế TPHCM tiếp tục truy vết và phát hiện hơn 400 ca nhiễm tại 50 công ty ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7).
Chuyên gia Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Khu chế xuất Tân Thuận |
Trả lời báo chí thông tin lan truyền trên mạng xã hội về một số trường hợp F0 chậm được chuyển đi điều trị, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng thừa nhận có tình trạng này.
Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng |
Theo đó, từ đợt dịch đầu tiên, thành phố có 2 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ, đáp ứng được nhu cầu trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 chưa tăng cao.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Hưng, trong đợt dịch thứ 4, do hầu hết ca bệnh nhiễm biến chủng Delta nên số bệnh nhân tăng nhanh. Có thời điểm mở rộng bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, việc chuẩn bị có lúc chậm, làm cho việc chuyển bệnh nhân đến nơi điều trị có nơi, có lúc chậm hơn so với yêu cầu nhưng không nhiều.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết TP.HCM hiện có 19 bệnh viện dã chiến đang hoạt động, điều trị cho 16.757 bệnh nhân. TPHCM đang lập thêm 5 bệnh viện dã chiến khác. Tổng công suất của 24 bệnh viện là 44.890 giường.