Phạt gấp đôi, vi phạm vẫn nhiều

Phạt gấp đôi, vi phạm vẫn nhiều
Đây là nhận định của Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trong buổi làm việc giữa Bộ GTVT và thành phố đánh giá sơ kết việc áp dụng mức phạt thí điểm đối với một số vi phạm quy định về giao thông đường bộ tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn Thủ đô.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt, hiện mức phạt thí điểm dù đã tăng nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Dẫn chứng về nhận định này, Đại tá Dánh cho biết, một số hành vi vi phạm lẽ ra phải triệt tiêu, nhưng vẫn xảy ra như chống người thi hành công vụ, vượt đèn đỏ. Nhiều trường hợp đi đèo 3, không đội mũ bảo hiểm ngang nhiên đi lại trên đường phố.

“Đây chính là sự thể hiện coi thường pháp luật và nguyên nhân suy cho cùng cũng là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh” - Đại tá Dánh nhấn mạnh.

Cũng theo Đại tá Dánh, nên bóc tách ra những vi phạm, đối tượng vi phạm xem vi phạm nào, đối tượng nào cần tập trung xử lý triệt để để áp mức phạt thật nặng. “Làm sao chế tài phải có tính răn để để người vi phạm một lần không dám tái phạm” - Đại tá Dánh kiến nghị.

Cùng chung quan điểm, đại diện Ủy ban An ninh, quốc phòng Quốc hội cho biết, hiện CSGT làm nhiệm vụ trên đường chỉ xử lý được vi phạm là đối tượng phụ nữ, người già. Còn những thanh niên “tóc xanh tóc đỏ” lại không xử lý được dẫn đến vi phạm giao thông vẫn còn nhiều. Điều này gây phản cảm cho người tham gia giao thông.

Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT Công an TP khẳng định: Hoàn toàn không có việc số thanh niên “tóc xanh tóc đỏ” không bị xử lý. Trong 8 tháng qua, Tổ công tác 141 của Công an TP đã xử lý 20.000 trường hợp là những thanh niên vi phạm Luật Giao thông, thậm chí trong số đó nhiều côn đồ hung hãn chống người thi hành công vụ. Có vụ đã chuyển sang khởi tố hình sự. Với việc kiểm tra, làm mạnh của các Tổ công tác 141, vi phạm không đổi MBH đã giảm.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã chỉ ra thực tế, một hành vi mức phạt chưa đủ sức răn đe vi phạm vẫn tái diễn, nhưng có những mức phạt mạnh cũng không mang lại hiệu quả. Ông Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vụ Vận tải- Bộ GTVT chỉ ra một số vi phạm bị giữ GPLX với mức phạt cao, vì vậy có nhiều người vi phạm sẵn sàng không đến nộp phạt, bỏ lại GPLX và đi xin cấp lại bằng lái do lệ phí sát hạch thấp hơn nhiều lần mức phạt. Do đó, lực lượng chức năng nên thông báo đối tượng đang bị giữ GPLX đến các Sở GTVT để không cho thi cấp lại GPLX.

Nhiều cơ quan thờ ơ trước vi phạm của CBCNV

Cũng theo ông Trần Ngọc Thành, để ngăn chặn các cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên vi phạm TTATGT và làm gương cho người dân, Chính phủ đã có chỉ đạo, Bộ Công an đã có Thông tư 38 yêu cầu lực lượng CSGT khi kiểm tra, xử lý vi phạm có thông báo gửi về các cơ quan, trường học về hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý rồi hồi âm.

Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan, trường học hồi âm rất ít. Đã đến lúc phải có biện pháp mạnh hơn, trong đó yêu cầu các cơ quan, cấp chính quyền, trường hợc sau khi nhận được thông báo phải có trách nhiệm xử lý, phản hồi, nếu không sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, trường học.

Cùng chung quan điểm, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT Công an TP cho rằng, Thông tư 38 nếu làm nghiêm sẽ tác động rất tốt tới ý thức chấp hành Luật Giao thông của CBCNV, học sinh. Tuy nhiên, tại Hà Nội, việc thực hiện Thông tư 38 đang bị lơ là. Cụ thể, trong năm 2011, Phòng CSGT đã gửi 55.000 thông báo vi phạm nhưng số thông báo được hồi âm lại chỉ chiếm 3,8%. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, thông báo gửi đi nhiều nhưng hầu như không có bất cứ hồi âm của cơ quan nào quay trở lại Phòng CSGT.

Tại cuộc họp nhiều ý kiến cũng đã chỉ ra những bất cập như xử lý tang vật vi phạm giao thông thời gian thu giữ, tạm giữ, bảo quản, xử lý như thế nào? Trường hợp không đến nhận lại phương tiện cơ quan quản lý phải xử lý ra sao; kiến nghị tăng nặng mức phạt đối với hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện; tịch thu xe của những đối tượng đua xe...

Trước những đề xuất trên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã ghi nhận và giao nhiệm vụ cho Sở GTVT, Phòng CSGT bổ sung vào báo cáo trình Chính phủ. Trong đó lưu ý cần phân tích rõ tác động của Nghị định 34, các lỗi nào cần phải tăng nặng mức phạt...

Theo Thanh Bình
GTVT

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.