Chẳng răn đe được ai
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, cá nhân ông không đồng tình với quan điểm cho phép được nộp phạt để các công trình xây dựng sai phạm được tồn tại.
“Nguyên tắc của luật pháp đã sai phạm là phải xử lý nghiêm. Lâu nay sai phạm phổ biến nhất trong xây dựng thường là đội tầng, xây thêm tầng trái phép, tôi nghĩ với loại sai phạm này thì dỡ bỏ tầng vừa lên trái phép chứ có khó khăn gì. Còn nếu cứ vi phạm lại được nộp phạt để tồn tại thì luật chẳng có giá trị gì, chẳng để làm gì và cũng chẳng răn đe được ai cả”, ông Liêm phân tích.
Theo ông Liêm quy định cho phép công trình sai phạm nộp tiền để tồn tại không chỉ làm giảm đi tính nghiêm minh của luật pháp mà sẽ tạo tiền lệ xấu để nhiều người hợp pháp hóa cho các công trình sai phạm.
“Nếu phạt tồn tại thì cứ xây nhà sai phép rồi nộp phạt hiệu quả hơn nhiều là phải làm thủ tục xin phép vì số tiền phạt không bao giờ theo kịp giá trị nhà nếu được tồn tại. Hơn nữa để cho xây rồi thu tiền phạt thì sẽ dẫn đến vấn nạn là các nhân viên nhà nước làm ngơ để trục lợi. Các chủ công trình họ sẽ sẵn sàng được nộp phạt để hợp thức hóa sai phạm và chẳng khác nào xây một được hai”, ông Liêm nói.
Trong trường hợp nếu áp dụng hình thức cho nộp tiền phạt, theo ông Liêm thì phải nâng mức tiền phạt lên cao gấp nhiều lần giá trị của phần xây dựng trái phép, lúc ấy may ra người dân và doanh nghiệp mới cân nhắc trước hai lựa chọn: hoặc là xây dựng đúng quy định, hoặc là xây dựng trái phép và phải chịu một mức phạt lớn.
Sai phạm dứt khoát phải dỡ
Theo GS Đặng Hùng Võ, các công trình sai phạm dứt khoát phải bị phá dỡ, ít nhất là phá phần xây sai phép có thế mới đủ sức răn đe, mới thể hiện sức mạnh và hiệu lực quản lý của chính quyền. Quy định phạt cho tồn tại có thể áp dụng cho cụ thể từng loại công trình hay từng thời điểm. Nếu phạt cho tồn tại thì sẽ bất hợp lý với những nhà xây sai phép đã bị phá dỡ.
“Tại sao cứ lấy lý do tốn kém cho xã hội và chủ đầu tư để không thực thi nghiêm pháp luật. Anh gây ra sai phạm, anh coi thường pháp luật, thì anh phải gánh chịu hậu quả. Không có chuyện anh sai phạm rồi lại được người khác đi hợp thức cho cái sai phạm anh gây ra, hay việc nhà nước phải chịu hậu quả sai phạm của anh”, ông Võ nói.
Ở góc độ kinh tế, theo ông Võ trong Thông tư đã đưa ra cách xác định giá trị phần xây dựng sai phép, xây dựng không phép, xây dựng sai thiết kế được duyệt, xây dựng sai quy hoạch hoặc sai thiết kế đô thị được duyệt để nộp tiền phạt cho tồn tại chưa thực sự đủ sức răn đe.
Chẳng hạn, giá trị phần xây dựng vi phạm đối với nhà ở riêng lẻ được tính bằng số mét vuông vi phạm nhân với giá tiền 1m2 nhà do UBND cấp tỉnh ban hành đối với cấp nhà được áp dụng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính là thấp, bởi bảng giá đất, chi phí xây dựng UBND cấp tỉnh ban hành được coi là tương đối tượng trưng so với giá trị thị trường.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, tại nhiều đô thị tình trạng phát triển không theo quy hoạch; xây dựng không phép, sai phép gây nhiều hậu quả và bức xúc cho nhân dân. “Để xảy ra tình trạng trên là do công tác quản lý không nghiêm, xử lý chưa mạnh tay giờ mà lại đi hợp thức cho các sai phạm thì bộ mặt đô thị sẽ như thế nào?”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Ngày 7/3, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Phạm Gia Yên-Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, việc ban hành Thông tư 02 là xuất phát từ thực tế. “Lâu nay phải “cắt ngọn” công trình sai phạm nhưng thực chất có xử lý được đâu. ông Yên nói. Theo ông Yên, quy định phạt cho tồn tại không phải để khuyến khích hành vi vi phạm trật tự xây dựng, mà nhằm khắc phục những tồn tại lâu nay không xử lý được.