Theo ông Dương Trung Quốc, việc phạt cho tồn tại đang gây nhiều bức xúc và hậu quả. Phạt cho tồn tại là sự tích tụ huỷ hoại luật pháp và phá hoại bộ máy công quyền. Như vụ việc diễn ra ở Hải Phòng, cả khu đất quốc phòng mà qua tay "xã hội đen" đã trở thành đô thị trước sự bất lực của chính quyền; hay vụ việc nảy sinh ở khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn.
"Rõ ràng bộ máy chính quyền phải chịu trách nhiệm, vì chắc chắn không có gì lọt qua mắt nhưng sẽ có những cái lọt qua tay", ông Quốc khẳng định.
"Sau đó ở đây xảy ra tình trạng tự ý phân lô, bán nền trái phép. Vụ việc này đã được cơ quan chức năng khởi tố, xét xử và tuyên phạt án các cá nhân vi phạm. Trước tình trạng lấn chiếm trái phép từ các hộ dân, khu đất này đã được giao về cho thành phố Hải Phòng. Sau đó thành phố giao cho quận Hải An quản lý, khắc phục tình trạng lấn chiếm trái phép", ông Tùng cho biết..
Nói về vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cao của người, ông Dương Trung Quốc đề cập đến vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm. Ông Quốc cho biết, nhiều cử tri vẫn hỏi ông là "đã một năm trôi qua, câu hỏi của anh ở Quốc hội đã có ai trả lời chưa".
“Tại kỳ họp Quốc hội cách đây một năm, một đại biểu khi phát biểu về vụ việc ở Đồng Tâm đã nói cụ Lê Đình Kình (lúc đó 82 tuổi) tự làm gãy chân của mình. Tôi cho rằng cách trả lời như vậy để cho dư luận tự đánh giá. Gần 500 đại biểu nghe xong có tiếp tục trả lời câu hỏi đó thực hư thế nào không”, ông Quốc nói và cho biết, cụ Kình đã gửi đơn tới Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhưng đến nay chưa nhận được trả lời.
"Chuyện tưởng nhỏ nhưng lòng tin của người dân thì mất nhiều. Những chuyện đó tôi cho là phải trả lời ngay, công khai với tinh thần cầu thị. Mọi sai lầm chúng ta đều có thể khắc phục nếu được người dân chia sẻ. Tôi mong Chính phủ, Thủ tướng không chỉ quan tâm đến những vấn đề lớn mà cả những vấn đề nhỏ để có sự phát triển bền vững hơn", ông Quốc nói.
Vị đại biểu Đồng Nai cũng nhận xét, ở văn bản báo cáo của Chính phủ, vấn đề an ninh quốc phòng viết rất nhẹ nhàng, chỉ nêu vấn đề đấu tranh bảo vệ lãnh thổ còn nhiều khó khăn. Hai chữ Biển Đông không hề được nhắc đến.
"Biển Đông là không gian lãnh thổ, lợi ích cốt lõi của đất nước. Chúng ta không những bảo vệ chủ quyền mà còn đấu tranh đòi lại chủ quyền. Chúng ta cùng với thế giới quan tâm đến lợi ích chung về việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, nhưng cũng không thể phó mặc cho thiên hạ làm", ông nói và cho rằng báo cáo của Chính phủ sẽ có tầm quan trọng khi người ta thấy ở đó hai chữ Biển Đông”, ông Quốc nói.