Được hỏi về những áp lực, khó khăn khi xét xử vụ án, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ cho biết vụ án này được TAND tỉnh coi như những vụ án bình thường khác dù trong vụ việc có những bị cáo đã từng giữ chức vụ rất cao trong ngành công an như các ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa.
Theo ông Tuấn, các bị cáo từng giữ chức vụ cao đến đâu nhưng khi ra tòa họ cũng bình đẳng với các bị cáo khác, phải chấp hành nội quy xét xử và các quy định liên quan. Ông Tuấn đánh giá số lượng bị cáo, người liên quan trong vụ rất đông nhưng tòa án đã được chuẩn bị trước phòng xét xử đủ sức chứa cùng an ninh trật tự được bảo đảm
Về việc các bị cáo Vĩnh, Hoá có mức án cao hơn mức đề nghị của đại diện VKSND, ông Vũ Anh Tuấn khẳng định tòa án xét xử dựa trên nguyên tắc độc lập tố tụng. HĐXX sẽ căn cứ vào thực tế diễn biến tại phiên xử như xét hỏi, tranh tụng... và đánh giá thái độ trung thực, thành khẩn của các bị cáo để tăng nặng giảm nhẹ, không phải chỉ căn cứ vào mức án kiểm sát viên đề nghị.
Bảo kê tổ chức đánh bạc
Theo tòa án, hệ thống các cổng game Rikvip/Tipclup, 23zdo trong vụ án được các Cty CNC và VTC online xây dựng và chỉ hoạt động trong 28 tháng nhưng đã thu hút gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc, thu về gần 10.000 tỷ đồng. Hệ thống đánh bạc này hoạt động công khai khi nhận sự bảo kê của bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa - cựu Thiếu trướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50).
HĐXX cho rằng bị cáo Phan Văn Vĩnh khi ký quyết định thành lập CNC là Cty bình phong của C50 đã làm trái quy định của Bộ Công an. Việc cho CNC thuê trụ sở số 10 Hồ Giám (thuộc quản lý của C43) cũng trái quy định, ngăn cản các đơn vị khác kiểm tra xử lý CNC.
Khi nhận báo cáo đề xuất cho phục vụ game bài, bị cáo Vĩnh không ngăn chặn và có bút phê chuyển văn bản cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa. Từ đó, bị cáo Hóa làm văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an xin đồng ý các yêu cầu của Dương.
Đáng chú ý, bị cáo cũng không chấp hành việc yêu cầu báo cáo từ lãnh đạo Bộ Công an và sau đó lại báo cáo sai sự thật, tiếp tục bao che hoạt động vi phạm pháp luật của Cty CNC.
“Phan Văn Vĩnh là tổng cục trưởng đáng lẽ phải đấu tranh phòng chống tội phạm nhưng lại đồng tình cho phạm tội nên hành vi của bị cáo là đáng lên án nhất so với các bị cáo khác” - chủ tọa nói. Dù bị cáo đã bị tước quân tịch, khai trừ Đảng nhưng vẫn cần áp dụng biện pháp cách ly bị cáo khỏi xã hội đồng thời chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa lĩnh 10 năm tù
HĐXX khẳng định bị cáo Nguyễn Thanh Hóa là người đã bao che cho hoạt động tổ chức đánh bạc của các Cty CNC và VTC online. Bị cáo cũng đề xuất cho CNC thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám của C43 nhằm tạo rào cản, không cho các cơ quan chức năng khác kiểm tra, xử lý của CNC.
Khi Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch CNC và đồng phạm tổ chức đánh bạc công khai, bị cáo Hóa không điều tra, xử lý mà tham mưu cấp trên, chỉ đạo cấp dưới soạn thảo văn bản đồng ý cho CNC xây dựng hệ thống đánh bạc.
Khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo, tướng Nguyễn Thanh Hóa đã không chấp hành và chỉ khi có yêu cần lần 2 mới báo cáo không trung thực. Để che dấu hành vi phạm tội của mình, năm 2017, bị cáo Hóa chỉ đạo soạn thảo văn bản lùi về năm 2011 để trình bị cáo Phan Văn Vĩnh ký.
Cũng như bị cáo Vĩnh, bị cáo Hóa cho rằng để CNC đánh bạc nhằm có kinh phí xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng nhưng thực tế không hề có việc này. “Bản chất hành vi của các bị cáo Vĩnh, Hóa có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ nhưng hiện tại chỉ có thể xử lý ở hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn” - chủ tọa nói.
Từ đó, chủ tọa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Hóa án 10 năm tù, phạt bổ sung 100 triệu đồng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tịch thu hàng nghìn tỷ đồng
HĐXX cho rằng đủ căn cứ kết luận Nguyễn Văn Dương - chủ tịch CNC đã lợi dụng CNC là Cty bình phong của C50 để hợp tác với Phan Sào Nam - GĐ VTC online phát hành game bài khi chưa có sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Dương trực tiếp đối soát sản lượng game bài, được phân chia tiền bất chính. Khi bị kiểm tra, Dương chỉ đạo thay pháp nhân, tên miền nhưng vẫn giữ nguyên hệ thống đánh bạc nhằm tiếp tục phạm tội. Hành vi của Dương đã lôi kéo gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc, thu lời hơn 9.853 tỷ đồng trong đó Dương hưởng hơn 1.655 tỷ đồng. Để che dấu tiền bất chính, Nguyễn Văn Dương nhờ người thân quen, chỉ đạo cấp dưới đầu tư dự án, mua bất động sản... nhằm rửa tiền.
Vì vậy, tòa án tuyên phạt Nguyễn Văn Dương án 5 năm tù về tội “Tổ chức đánh bạc” và 5 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt là 10 năm tù; phải nộp khắc phục hậu quả hơn 1.600 tỷ đồng thu lời bất chính sau khi trừ đi một số chi phí.
Bị cáo Phan Sào Nam cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ như chủ động, thành khẩn khai báo; có nhiều cống hiến cho xã hội, từng tham gia tình nguyện xây dựng trường học tại vùng sâu… Đáng chú ý, tòa án cũng nhận đơn của 400 người ký xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Nam. Tuy đây không phải tỉnh tiết giảm nhẹ nhưng có thể coi là sự giảm nhẹ của xã hội với hành vi của bị cáo.
Từ đó, HĐXX tuyên phạm Phan Sào Nam vào các tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền”, nhận mức án tổng hợp 5 năm tù cho cả 2 tội danh. Bị cáo Nam tiếp tục bị kê biên một số tài sản để khắc phục hậu quả dù bị cáo này đã nộp hơn 90% số tiền hưởng lợi bất chính.