4 tháng thu gần 2 tỷ đồng tiền “bảo kê”
Viện KSND Tối cao vừa ra cáo trạng (lần 2) truy tố 6 bị can trong đường dây nhận tiền bảo kê xe tải về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Môi giới hối lộ và Đưa hối lộ. Trong đó, cơ quan tố tụng đã quyết định thay đổi tội danh từ “Môi giới hối lộ” sang tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Phạm Văn Phương, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và thương mại PNV (đối tượng đầu vụ), bởi bị can đã phản cung, chối bỏ việc đưa tiền cho cán bộ CSGT để “làm luật”. Mặt khác, những cán bộ CSGT mà Phương khai đã đưa tiền trước đó cũng phủ nhận việc nhận tiền "bảo kê".
Theo hồ sơ vụ án cho thấy, Phạm Văn Phương giới thiệu với một số nhà xe, tài xế là bản thân có quen biết với một số cán bộ chỉ huy thuộc Phòng CSGT, Thanh tra giao thông (TTGT) của tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh có thể “bảo kê” cho các ô tô vi phạm luật giao thông chạy trên các tuyến đường thuộc địa phận hai tỉnh này. Sau đó, Phương chỉ đạo hai nhân viên trong công ty là Phùng Đức Ngọc và Lê Văn Hiếu thoả thuận, thu tiền của các nhà xe cần bảo kê từ 1,3 triệu đồng đến 5,5 triệu đồng/tháng hoặc 200 nghìn đồng/ngày.
Ban đầu, những nhà xe nộp tiền “bảo kê” được Phương phát logo An Hùng để làm ký hiệu và dặn chủ xe nếu bị CSGT bắt lỗi thì cứ nói xe của công ty An Hùng là “trôi”; nếu trường hợp đọc “mật khẩu” không được thì gọi trực tiếp cho Phương để xử lý trên địa bàn Bắc Giang, còn xe “dính lỗi” trên địa bàn Bắc Ninh thì gọi cho Ngọc và Hiếu để can thiệp… Nhưng sau thấy việc dán logo sẽ gây chú ý, Phương chuyển chỉ đạo Ngọc nhắn tin biển kiểm soát xe ô tô cần bảo kê cho Phương để phương chuyển tiếp cho những cán bộ CSGT có quan hệ.
Vụ việc bị phanh phui sau khi Cục CSHS – Bộ Công an bắt quả tang Phùng Đức Ngọc đang nhận 48 triệu đồng để bảo kê ô tô của Phạm Minh Toản, trú tại Gia Lâm, Hà Nội. Thu giữ nhiều giấy tờ, sổ sách thể hiện từ tháng 4/2016 đến tháng 7/2016, đường dây của Phương đã thu tổng cộng hơn 1,9 tỷ đồng của 16 nhà xe. Trong đó, có 6 nhà xe đã nộp cho nhóm của Phương gần 1,7 tỷ đồng để được “bảo kê” 359 ô tô. Các bị can liên quan đến vụ án lần lượt bị bắt giữ sau đó.
CSGT khai: “Có quen biết nhưng không cầm tiền bảo kê”
Quá trình điều tra ban đầu, các đối khai sau khi nhận tiền của các nhà xe, Ngọc chuyển lại cho Phương để Phương chi cho một số CSGT và TTGT, thanh toán tiền tiền nộp phạt cho các nhà xe trong trường hợp không xin được và trả lương cho Hiếu và Ngọc, còn lại Phương hưởng lợi.
Cũng theo cáo trạng, ban đầu Phương khai có quan hệ với một số CSGT, Công an tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, cùng một cán bộ thuộc C46 – Bộ Công an nên có thể bảo kê cho các xe ô tô. Phương khai đã đưa mỗi tháng đưa cho một lãnh đạo Phòng CSGT tỉnh Bắc Giang 15-20 triệu đồng; đưa 10 triệu đồng mỗi tháng cho hai vị đội trưởng. Còn tại địa bàn Bắc Ninh, Phương thông qua vị cán bộ C46 để gặp gỡ hai đội trưởng khác để thoả thuận việc “bảo kê” và đã đưa tổng cộng 500 triệu đồng.
Nhưng sau đó, Phương thay đổi lời khai là không nhận tiền bảo kê, không chỉ đạo Ngọc, Hiếu và không đưa tiền cho CSGT, TTGT. Những cán bộ CSGT liên quan khai có quen biết với Phương, nhưng không nhận “bảo kê” và tiền của Phương.
Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, cơ quan tố tụng xác định Phạm Văn Phương có hành vi đưa ra thông tin gian dối có quan hệ với CSGTG và TTGT để chiếm đoạt gần 1,7 tỷ đồng của các nhà xe thông qua Ngọc và Hiếu. Còn Ngọc, Hiếu có hành vi nhận tiền của nhà xe để thông qua Phương đưa cho những người có thẩm quyền “bảo kê” ô tô nên bị truy tố về tội “môi giới hối lộ”. Ba bị can bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” là ba chủ xe ô tô đã đưa tiền cho nhóm của Phương với mục đích đưa hối lộ cho CSGT, TTGT. Một số nhà xe khác liên quan đến vụ án đã chủ động khai báo trước khi vụ việc bị phát giác nên CQĐT không xem xét trách nhiệm hình sự. Dự kiến, vụ án nêu trên sẽ được TAND tỉnh Bắc Ninh đưa ra xét xử vào ngày 5/11 tới đây.