Tại phiên tòa chiều 27/11, HĐXX đã bắt đầu xét hỏi các bị cáo. Người đầu tiên trả lời HĐXX là bị cáo Trần Phương Bình (Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB.
Trả lời HĐXX, bị cáo Trần Phương Bình cho biết, bản cáo trạng truy tố bị cáo là đúng. Bị cáo Trần Phương Bình khai, từ năm 1983 – 1992, làm giáo viên dạy môn kinh tế của trường Trung cấp Tài chính TPHCM.
Đến tháng 7/1992, bị cáo về Ngân hàng Đông Á làm việc. Trước khi về, bị cáo có thời gian tham gia viết đề án thành lập DAB. Ngay khi DAB hoạt động thì bị cáo về làm Phó Tổng giám đốc.
Thời điểm DAB hoạt động, vốn điều lệ của DAB là 20 tỷ đồng. Đến nay DAB đã 39 lần thay đổi vốn điều lệ. Tại thời điểm thành lập, số lượng cổ đông hạn chế. Trong đó, nhóm gia đình Trần Phương Bình chiếm 10,24%; nhóm Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chiếm 7,7%.
Đến năm 1997, vợ bị cáo Bình là bà Cao Thị Ngọc Dung rời DAB. Cùng năm này, bị cáo Bình lên làm Tổng giám đốc DAB. Những người thân của bị cáo Bình nhận cổ tức từ chuyển khoản qua tài khoản thẻ do bị cáo Bình mở tại DAB.
HĐXX hỏi bị cáo Bình liên quan đến vấn đề nguồn tiền tăng vốn điều lệ DAB, chức năng nhiệm vụ của các phòng ban DAB, vấn đề chia cổ tức... HĐXX cho rằng, trong khoảng thời gian bị cáo giữ chức vụ lãnh đạo DAB đã liên tục tăng vốn điều lệ.
Cáo trạng xác định, bị cáo Trần Phương Bình với vai trò là Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB.
Bị cáo Bình là đối tượng chính đã thực hiện các hành vi: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái Luật kế toán, Luật các Tổ chức tín dụng và Điều lệ DAB trong quá trình chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ, tín dụng, đầu tư… tại DAB.
Cùng các nhân viên trong DAB và những người liên quan thực hiện các hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho DAB tổng số 3.600 tỷ đồng.
Các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nêu trên là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng Ngân hàng TMCP Đông Á tại thời điểm ngày 31/12/2015: Lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trần Phương Bình và đồng phạm còn thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác gây thiệt hại cho DAB. Các hành vi này Cơ quan điều tra tách ra để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau.
Trong phần xét hỏi bị cáo Bình, HĐXX cho biết, đối với 6 hành vi khác của bị cáo Bình được cơ quan điều tra tách ra để điều tra sau.
Sáng 28/11, trong phần nêu trách nhiệm của từng bị can, đại diện VKSND TPHCM cho biết, đối với trách nhiệm của bà Cao Thị Ngọc Dung (là vợ bị can Trần Phương Bình), quá trình điều tra giai đoạn 2 vụ án, Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm của bà Cao Thị Ngọc Dung đối với các khoản vay của PNJ tại DAB. Nếu xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.