Ông Đinh La Thăng: Xin đối xử với bị cáo như số phận một con người

Đại diện VKSND TP Hà Nội tham gia đối đáp.
Đại diện VKSND TP Hà Nội tham gia đối đáp.
TPO - Sáng 24/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 6 đồng phạm trong vụ án thất thoát 800 tỷ đồng vốn của đơn vị này tại Ngân hàng TMCP Đại Dương – OceanBank (OJB).

Tại tòa, kiểm sát viên cho biết đã nghe ý kiến bào chữa, bảo vệ của các bị cáo và luật sư đồng thời trình bày quan điểm đối đáp của mình.

Tự ý thoả thuận góp vốn, không thông qua hội đồng thành viên?

Cụ thể, kiểm sát viên khẳng định, năm 2008, khi bị cáo Đinh La Thăng đại diện PVN ký thỏa thuận góp vốn với Hà Văn Thắm – Chủ tịch, đại diện OJB, các thành viên HĐQT (sau là HĐTV) PVN không được biết. Chỉ có bị cáo Nguyễn Xuân Sơn lúc đó là Trưởng ban trù bị ngân hàng Hồng Việt (của ngành dầu khí, không được thành lập) và bị can Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Phó TGĐ PVN biết.

Năm 2017, khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, ông Thăng đã nhờ các thành viên HĐQT giai đoạn 2008 ký văn bản xác nhận đã biết chủ trương PVN đầu tư vào OJB.

Ngoài ra, PVN cũng không trả lời công văn của Bộ Tài chính trong đó nêu rõ phải báo cáo tình hình tài chính, các khoản vay, trích lập dự phòng… của OJB. Các bị cáo, luật sư cho rằng công văn này  chỉ gửi PVN để biết, là khuyến cáo không phải yêu cầu là không đúng.

Năm 2011, luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực quy định một cổ đông là tổ chức không được nắm quá 15% cổ phần của một tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng không thoái vốn, ký văn bản cử bà Vũ Thanh Hương làm đại diện phần vốn. Bị cáo phản biện phải ký như vậy vì thực tế PVN vẫn nắm 20%, nếu ký 15% sẽ không ai quản lý 5% còn lại là tư duy phi pháp lý, nếu đúng phải có chỉ đạo xử lý 5%.

Người giữ quyền công tố cũng cho rằng: “Viện kiểm sát hiểu khó khăn trong kinh doanh nhưng hậu quả thua lỗ chỉ được loại trừ trách nhiệm nếu không có hành vi làm trái. Ở đây các bị cáo vi phạm để đầu tư, ra hậu quả nên phải chịu trách nhiệm về hậu quả này…. HĐQT PVN cũng không có cơ chế kiểm tra, giám sát với người đại diện phần vốn tại OJB mà chỉ căn cứ vào báo cáo tài chính được kiểm toán của OJB. Kết luận thanh tra đã chỉ rõ báo cáo này không phản ánh đúng kết quả hoạt động của OJB”.

Kiểm sát viên nhắc lại vụ án Hà Văn Thắm gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng của OJB để dẫn chứng sai phạm tại ngân hàng này bắt đầu từ năm 2009 tới 2014. Tuy nhiên, PVN không biết, không có biện pháp xử lý sai phạm dẫn đến OJB thua lỗ, phải để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại.

Ông Thăng: Bị cáo không bịa đặt, không quanh co chối tội

Được đối đáp quan điểm của kiểm sát viên, ông Đinh La Thăng khẳng định năm 2017, ông chỉ nhờ các thành viên HĐTV xác nhận chủ trương xử lý hệ lụy hàng trăm tỷ đồng, hàng trăm con người của ban trù bị ngân hàng Hồng Việt bằng cách đầu tư vào OJB. Việc này rất khó khăn nhưng đúng chủ trương của Chính phủ và phải trải qua nhiều lần đàm phán nên HĐTV của PVN có biết.

Ông Đinh La Thăng: Xin đối xử với bị cáo như số phận một con người ảnh 1

 Bị cáo Đinh La Thăng tranh luận lại quan điểm của kiểm sát viên.

“Khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói về việc này, bị cáo chỉ nhờ xác nhận chủ trương. Hôm qua chị Hòa (Phan Thị Hòa – nguyên thành viên HĐQT PVN) nói có chủ trương này… Bị cáo hoàn toàn không bịa đặt gì, không quanh co, chối tội’ – lời ông Đinh La Thăng.

Về lần góp vốn thứ 3 của PVN vào OJB năm 2011 (100 tỷ đồng) đã vi phạm luật các tổ chức tín dụng, bị cáo Thăng cho rằng lúc đó minh đi công tác, ủy quyền điều hành cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng – nguyên thành viên HĐTV PVN, ông Thăng không biết và nếu biết cũng không đồng ý tăng vốn.  

Bị cáo này nói: “Bị cáo có khai trước tòa, ủy quyền điều hành hoạt động trong thời gian Chủ tịch đi vắng chứ không ủy quyền trực tiếp cho anh Thắng ký nghị quyết 4266 (ban hành tháng 5/2011 về việc tăng vốn)… Tháng 3/2011, bị cáo đã họp, HĐTV ra nghị quyết giảm tỷ lệ sở hữu tại OJB”.

Ông Đinh La Thăng cũng mong xem xét vấn đề đồng phạm trong vụ án, cho rằng các cấp dưới của mình “cố ý làm đúng chứ không cố ý làm sai” và làm ăn có lãi. Ông Thăng cũng nhắc lại kết luận năm 2013 của Bộ Chính trị nêu rõ PVN là tập đoàn lớn, kinh doanh đa ngành, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ, bảo vệ chủ quyền trên biển…

Bị cáo này cũng khẳng định vốn điều lệ của PVN đến năm 2013 tăng nhiều lần trong bối cảnh phức tạp, giá dầu lúc lên trên 100 USD lúc xuống 36 USD…. Đồng thời, ông Thăng khẳng định: “Các anh ngồi đây cống hiến cả cuộc đời cho ngành dầu khí. Bị cáo rất day dứt vì việc các thành viên HĐTV bị quy kết đồng phạm… Không ai cố tình làm trái cả, xin nói cả đời phấn đấu mới được Đảng, Nhà nước giao cho làm thành viên HĐTV”.

Về công văn của Bộ Tài chính, nguyên Chủ tịch PVN cho rằng chính đại diện Bộ Tài chính đã đã nêu đây là công văn trả lời Thủ tướng, không phải công văn yêu cầu PVN trả lời.

“Tất cả các lần góp vốn của tập đoàn đều được Thủ tướng đồng ý, đây là về chủ trương đầu tư. Hiệu quả đầu tư, sự thật là có lợi nhuận 244 tỷ chưa kể giá trị ngoài tiền đem lại từ OJB... Lúc đầu tư không thể biết năm 2015 thì OJB bị mua 0 đồng... Đây không phải là chủ trương chiến lược của tập đoàn mà là giải quyết hệ lụy ngân hàng Hồng Việt. Chủ trương, mong muốn của tập đoàn là được đầu tư vào ngân hàng chiếm hơn 50% vốn điều lệ” – lời ông Thăng.

Bị cáo này cũng nhắc lại việc PVN từng muốn thoái vốn tại OJB, nói: “Việc thoái vốn đã có lộ trình từ tháng 3/2011, năm 2012 đã báo cáo Thủ tướng để cho thực hiện được Thủ tướng đồng ý năm 2013. Nó là cả lộ trình chứ không phải thích rút ra là ra...”.

Ông Đinh La Thăng cũng phản biện việc OJB bị NHNN mua 0 đồng, cho rằng nếu mua như vậy đúng sẽ phải bù lỗ cho OJB nhưng: “NHNN mà đem tiền bù lỗ là vi phạm luật ngân sách. Khi đăng ký kinh doanh mới (OJB sau mua 0 đồng), vốn ngân hàng vẫn là 4.000 tỷ đồng, thế tiền ở đâu?”.

Cuối cùng, nguyên Chủ tịch PVN nói: “Mong HĐXX công bằng, hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người. Cảm ơn HĐXX, đại diện VKSND”...

MỚI - NÓNG