Luật sư: Ông Đinh La Thăng có 'lợi ích nhóm' gì?

Bị cáo Đinh La Thăng.
Bị cáo Đinh La Thăng.
TPO - “Có căn cứ nào để xác định việc cất nhắc bổ nhiệm cán bộ trong doanh nghiệp và ông Thăng có lợi ích gì trong đó? Quy trình bổ nhiệm cất nhắc có căn cứ nào sai?... Đây là suy diễn và nhận xét không hề dựa trên bất kỳ căn cứ nào” – luật sư Nguyễn Huy Thiệp nhấn mạnh câu hỏi trong phần tranh tụng tại toà.

Chiều 15/1, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 22 bị cáo trong vụ án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Tại tòa, đại diện VKSND nêu quan điểm phản biện luận cứ bào chữa của các luật sư, bị cáo đồng thời giải thích những điểm chưa được làm rõ trong quá trình xét hỏi.

Tiếp đến, tiếp tục phần tranh tụng của mình, luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho ông Đinh La Thăng đối đáp quan điểm của đại diện VKSND TP Hà Nội và cho rằng đã bộc lộ một số điểm cần có ý kiến lại vì nhiều nội dung được suy đoán, quy kết thiếu căn cứ và không đưa ra được bằng chứng chứng minh, vi phạm nguyên tắc cá thể hoá, có căn cứ trong luận tội.

“Luật sư cần căn cứ chứng minh bị cáo Thăng có chỉ định thầu sai quy định, ký hợp đồng số 33 sai quy định; chỉ đạo tạm ứng sai quy định cho PVC. Tôi không cần chứng minh bị cáo có sự chỉ đạo chung. Bởi lẽ, vị trí Chủ tịch HĐTV, đứng đầu doanh nghiệp thì chỉ đạo trong hoạt động kinh doanh là đương nhiên” – luật sư Nguyễn Huy Thiệp nói.

Vị luật sư cũng cho rằng, liên quan cách nhìn nhận đánh giá tài liệu, đại diện VKSND nói ông Thăng vận dụng tư tưởng kết luận 41 của Bộ Chính trị và công văn của Thủ tướng Chính phủ để chỉ định thầu theo quy định và giao cho PVN phải chịu tránh nhiệm thực hiện. KSV cho rằng hai văn bản này không đưa ra cụ thể cho nhà máy Thái Bình 2 nên vận dụng là không phù hợp, không có căn cứ.

Vẫn theo luật sư Thiệp, với kết luận của Bộ Chính trị về đường lối chiến lược thì phải theo tư tưởng, nội dung, tinh thần đó mà triển khai tuân thủ, đó mới là đúng và phù hợp. Về công văn Chính phủ đồng ý về nguyên tắc chỉ định thầu giao cho HĐTV PVN triển khai thực hiện, đây là điều đương nhiên, vấn đề triển khai thế nào với chiến lược và chỉ đạo này…

“Nếu nói rằng việc ông Thăng vận dụng sai hai văn bản trên và thực tế triển khai thấy rằng PVC không đủ đáp ứng tư tưởng người Việt dùng hàng Việt là quan điểm không phù hợp… Bên cạnh đó, sau khi chuyển chủ đầu tư về, PVN đã thực hiện nghiêm túc trình tự thủ tục để mình là chủ đầu tư... Đến nay, PVC vẫn là tổng thầu, dự án vẫn triển khai và theo báo cáo gần đến giai đoạn kết thúc dự án… nói PVC không đủ năng lực nhưng họ triển khai đến thời điểm này không có căn cứ” – luật sư Thiệp nêu quan điểm.

Về hợp đồng EPC số 33 và 4194 (cùng để thực hiện dự án Thái Bình 2), quan điểm VKSND nói ngày 24/2/2011, ông Đinh La Thăng biết hồ sơ thiết kế kỹ thuật chưa có nhưng ngày 28/2/2011 đã ký hợp đồng nên quy kết ông Thăng chỉ đạo ký hợp đồng vi phạm pháp luật. Theo luật sư, hợp đồng 33 thẩm quyền ký là thuộc PV Power (chủ đầu tư ban đầu) và PVC, tức chủ đầu tư và nhà thầu.

“Dự án là trọng điểm quốc gia, với áp lực tiến độ, thời hạn từ cấp trên quyết liệt, từ đó, ông Thăng quyết liệt chỉ đạo đáp ứng tiến độ. Dự án được chấp nhận cơ chế đặc thù, như ông Thăng đặt vấn đề, nếu dự án tính cấp bách và tầm quan trọng mà nhất nhất theo thủ tục trình tự lần lượt thì không bao giờ làm được kịp… Sai sót trong hợp đồng 33 không thuộc trách nhiệm của ông Thăng vì ông lãnh đạo đề ra chủ trương, thay mặt HĐTV ban hành nghị quyết chứ không phải người thực hiện” – luật sư Thiệp nêu quan điểm.

Về vấn đề tạm ứng sai quy định cho PVC, luật sư cho rằng đây là vụ án hình sự, hậu quả là thực tế phải diễn ra chứ không phải hậu quả trong tương lai có thể xảy ra. Ông Nguyễn Huy Thiệp cũng đề nghị đưa ra căn cứ để xác định việc tính lãi suất trên tiền gửi có kỳ hạn, gửi thời gian nào? thời gian định gửi bao lâu để tính lãi suất?... Đề nghị VKSND dẫn chiếu các văn bản quy phạm pháp luật chứng minh doanh nghiệp sử dụng ngân sách được gửi tiền ngân sách để hưởng lãi?

Luật sư Thiệp cũng phân tích việc kiểm sát viên cho rằng vụ án được bao trùm bởi lợi ích nhóm. Đây là vấn đề phát sinh trong quá trình luận tội, trước đó chưa được thể hiện trong kết luận điều tra hay cáo trạng truy tố. Với lập luận cho rằng do ông Thuận (Vũ Đức Thuận – nguyên TGĐ PVC), ông Thanh (Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch PVC) là do ông Thăng cất nhắc, bổ nhiệm nên cho nên có ưu ái chỉ định PVC làm tổng thầu. “Có căn cứ nào để xác định việc cất nhắc bổ nhiệm cán bộ trong doanh nghiệp và ông Thăng có lợi ích gì trong đó? Quy trình bổ nhiệm cất nhắc có căn cứ nào sai?... Đây là suy diễn và nhận xét không hề dựa trên bất kỳ căn cứ nào” – ông Thiệp nhấn mạnh câu hỏi.

Tiếp đến, ông Thiệp nêu chi tiết chứng minh sự chỉ đạo ông Thăng trong vụ án là đại diện VKSND căn cứ lời khai của Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó TGĐ PVN để xác định ông Thăng có chỉ đạo trực tiếp về tạm ứng.

Luật sư phân tích: “Trong tất cả lời khai nội dung này lặp lại nhiều lần, đó là vào vài ngày trước chuyển tiền, 13/5/2011, ông Thăng có gọi Khánh (Nguyễn Quốc Khánh – nguyên Phó TGĐ PVN), Sơn vào phòng làm việc, mắng anh Khánh, Sơn về tiến độ dự án, yêu cầu Sơn lo vốn tài chính theo đúng chức năng, còn Khánh liên quan kỹ thuật để làm sao không được phép chậm tiến độ. Nội dung này có hai vấn đề, ông Thăng khai rằng thời điểm từ 10 - 20/5/2011 đang đi tiếp xúc cử tri tại Thanh Hoá, việc này rất dễ xác minh… Nhưng cơ quan tiến hành tố tụng chưa xác minh, chưa điều tra để chứng minh rằng có hay không cuộc gặp mặt. Vấn đề thứ 2, với lịch làm việc như ông trình bày khẳng định cuộc gặp là không có. Có thể ông Sơn nhớ nội dung tản mạn đâu đó rồi đưa ra chứng minh lời khai của mình đúng nhưng với chứng minh thời gian thì luật sư có niềm tin lời khai của ông Thăng mới là đúng”.

MỚI - NÓNG
Đi vớt rác, ngư dân Quảng Ngãi phát hiện động vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới
Đi vớt rác, ngư dân Quảng Ngãi phát hiện động vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới
TPO - Trong lúc đang vớt rác vướng ngoài lồng nuôi cá, một ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vô tình phát hiện một con rùa biển đang vùng vẫy trong vợt. Con rùa biển này là một cá thể đồi mồi (một loài rùa biển, động vật biển quý hiếm), có tên trong Sách đỏ thế giới và Việt Nam.