Đề nghị truy tố ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa cùng 90 bị can

Ông Phan Văn Vĩnh (phải) và ông Nguyễn Thanh Hóa
Ông Phan Văn Vĩnh (phải) và ông Nguyễn Thanh Hóa
TPO - Cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Hôm nay (18/7), Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ kết thúc điều tra giai đoạn một vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc nghìn tỷ qua mạng liên quan cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an.

Trong vụ án, cơ quan điều tra đã khởi tố 105 bị can, đã tạm đình chỉ điều tra đối với 13 bị can, trong đó, truy nã 12 bị can đang bỏ trốn.
Kết thúc giai đoạn một, Cơ quan ANĐT Công an Phú Thọ đề nghị truy tố tổng số 92 bị can về 7 tội danh, gồm: Tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền; đưa hối hộ; sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi thành công vụ.
Đáng chú ý, trong số các bị can, Lưu Thị Hồng và Nguyễn Văn Dương bị đề nghị truy tố với tội danh “Đưa hối lộ” với số tiền khoảng 700 triệu đồng. Tuy nhiên, CQĐT chưa thể làm rõ hành vi nhận hối lộ của các đối tượng liên quan.

Các bị can Phan Văn Vĩnh - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an và Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) Bộ Công an bị đề nghị truy tố về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Riêng cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa đã từng bị CQĐT xem xét khởi tố về tội danh “Tổ chức đánh bạc”.

Trong kết luận điều tra, CQĐT cũng đề nghị tiếp tục tạm giam 15 bị can, số còn lại được tại ngoại. Dự kiến, trong giai đoạn hai của vụ án, CQĐT tiếp tục truy nã số đối tượng bỏ trốn, điều tra làm rõ số đối tượng đánh bạc. 

Như Tiền Phong đã đưa, ngày 11/3, Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) – Bộ Công an về tội “Tổ chức đánh bạc”.

Ông Hoá được xác định có hành vi đồng phạm với hai đối tượng cầm đầu đường dây đánh bạc là Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương. Tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán của các đối tượng lên tới hơn 9.500 tỷ đồng (trung bình 342 tỷ đồng/tháng); tiền tham gia đánh bạc qua các đại lý được giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng khoảng 5.600 tỷ đồng.

Các đối tượng cũng dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để rửa tiền như góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài (Phan Sào Nam gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng Bank of Singapore)…

Cũng theo Bộ Công an, các doanh nghiệp viễn thông hưởng khoảng 1.402 tỷ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông); doanh nghiệp trung gian thanh toán hưởng khoảng 258,4 tỷ đồng; nhóm Nguyễn Văn Dương hưởng khoảng 1.600 tỷ đồng; nhóm Phan Sào Nam và Hoàng Thành Trung hưởng khoảng 1.850 tỷ đồng. Còn 2.645 tỷ đồng trả thưởng cho con bạc.

Còn theo nguồn tin của Tiền Phong, Nguyễn Văn Dương đã chuyển đến Nguyễn Thanh Hóa hơn 17 tỷ đồng gồm 12 tỷ đồng thể hiện là tiền vay trong khoảng thời gian năm 2016-2017, chưa thấy có chứng cứ ông Hóa trả lại. Bị can Nguyễn Thanh Hóa còn bị nghi vấn nhận 700 triệu đồng của các đối tượng dưới dạng quà biếu, cảm ơn, lễ tết, đi nghỉ mát…

Ngày 6/4, Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Văn Vĩnh để điều tra hành vi liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu. Cùng ngày, Chủ tịch nước ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với ông Phan Văn Vĩnh.

Ông Vĩnh sinh ngày 19/5/1955, quê Nam Định từng từng đảm nhiệm cương vị Phó giám đốc rồi Giám đốc Công an tỉnh Nam Định; đại biểu Quốc hội khóa 12 và được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.