Khu “đất vàng” đã thuộc về tư nhân
Theo KLĐT, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố ông Vũ Huy Hoàng tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định khoản 3, Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015. Cùng bị đề nghị truy tố về tội danh này với ông Vũ Huy Hoàng là ông Phan Chí Dũng (Cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương).
Trong vụ án này, các bị can Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM), Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT), Trương Văn Út (cựu Phó Trưởng phòng quản lý đất đai- Sở TN&MT), Lê Văn Thanh (cựu Phó chánh VP UBND TPHCM), Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng Phòng đô thị VP UBND TPHCM), Nguyễn Lan Châu (chuyên viên Phòng QLĐĐ - Sở TN&MT), Lâm Nguyên Khôi (cựu Phó Giám đốc Sở KH&ĐT) và Lê Công Minh (cựu Trưởng phòng phát triển hạ tầng-Sở KH&ĐT) - cùng bị đề nghị truy cứu về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, quy định tại khoản 3 điều 229 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo KLĐT, tháng 8/2007 ông Hoàng được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công Thương, lãnh đạo và quản lý toàn diện các mặt công tác của Bộ Công thương: chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về quản lý ngành công thương; thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác (trong đó có Tổng công ty Sabeco).
Mặc dù biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được sắp xếp giao cho Tổng công ty Sabeco (là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công thương, vốn nhà nước chiếm 89,59%) và không được thành lập pháp nhân mới, nhưng ông Hoàng vẫn chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl trái với quy định của quyết định số 86/2010/QĐ - TTg để đầu tư dự án.
Bà Hồ Thị Kim Thoa (Thứ trưởng Bộ Công Thương), ông Phan Đăng Tuất (Chủ tịch HĐQT) đã ký công văn số 374 kèm theo các văn bản chấp thuận của Bộ Công thương đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và chuyển quyền sử dụng đất từ Tổng công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl, để từ đó các sở, ngành thuộc UBND TPHCM tham mưu cho bị can Nguyễn Hữu Tín ký ban hành quyết định số 3186 QĐ - UBND cho Công ty Sabeco Pearl thuê đất trái quy định pháp luật.
Khi được làm chủ đầu tư và được nhận chuyển quyền sử dụng đất (tháng 6/2015), lợi dụng chủ trương thoái vốn của Chính phủ, Công ty Sabeco Pearl đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo Tổng công ty Sabeco thoái 26% vốn góp và đề nghị được mua lại phần vốn góp này. Ông Vũ Huy Hoàng đã đồng ý với đề nghị này của Công ty Sabeco Pearl, quyết liệt chỉ đạo Tổng công ty Sabeco đẩy nhanh thực hiện thủ tục thoái vốn và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá là 13.247 đồng/cổ phần.
Đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
“Ðá bóng” trách nhiệm?
Tại Cơ quan điều tra, bị can Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu Bộ Công Thương, ông Hoàng cho rằng trách nhiệm chính thuộc về bà Hồ Thị Kim Thoa. Việc thỏa thuận cho Công ty Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án được thuê đất tại 2-4- 6 Hai Bà Trưng, ông Hoàng nói thuộc thẩm quyền trách nhiệm của UBND TPHCM. Bị can Hoàng chỉ thừa nhận chấp nhận chủ trương chứ không kết luận phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá. Việc thực hiện thoái vốn, ông Hoàng cho rằng thuộc trách nhiệm của Tổng công ty Sabeco.
Trong khi đó, bà Hồ Thị Kim Thoa hiện đã bỏ trốn, thời hạn điều tra vụ án đã hết, Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã bà Thoa, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bà Thoa.