Sáng 22/11, tại TAND tỉnh Phú Thọ, luật sư Trần Hồng Phúc được quyền bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch Cty CNC. Dương bị cơ quan truy tố xác định đã lợi dụng việc CNC là Cty bình phong của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) để hợp tác với Cty VTC online xây dựng các cổng game đánh bạc.
Vì vậy, kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên Nguyễn Văn Dương phạm vào các tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền”, nhận hình phạt chung từ 11 - 13 năm tù; tịch thu xung công hơn 1.600 tỷ đồng bị cáo hưởng lợi.
Bào chữa cho bị cáo, luật sư Trần Hồng Phúc đề nghị tòa xem xét bối cảnh bị cáo phạm tội, bị cáo đang mắc bệnh cùng các tình tiết khác để giảm nhẹ hình phạt.
Đáng chú ý, luật sư Phúc viện dẫn hồ sơ vụ án thể hiện PC 50 Công an TP Hà Nội từng phát hiện Cty CNC vận hành game Rikvip trái phép nhưng không xử lý. Lý do được đưa ra tại báo cáo ngày 03/9/2015: “Việc xác minh về hoạt động kinh doanh trò chơi trực tuyến Rikvip sẽ ảnh hưởng tới hoạt động nghiệp vụ của cơ quan cấp trên, có thể gây ảnh hưởng về mặt chính trị của lực lượng”.
Luật sư Trần Hồng Phúc bào chữa cho Nguyễn Văn Dương.
Cụ thể, PC50 Hà Nội nhận thấy game bài Rikvip có dấu hiệu kinh doanh trái pháp luật, cần xác minh làm rõ, lập hồ sơ để xử lý theo quy định. Sau đó, đơn vị này xác minh thấy CNC là đơn vị nghiệp vụ của C50, tại trụ sở Cty có 1 phòng làm việc treo biển hiệu ghi “Bộ Công an – Cục C50; Phòng làm việc của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng” nên đề xuất dừng xác minh.
Bà Hà Thị Hằng - Phó Trưởng phòng PC50 Hà Nội cũng khẳng định có 2 trinh sát báo cáo mình việc CNC là công ty bình phong của Bộ Công an nên nếu đề xuất tiếp tục kiểm tra xác minh thì ảnh hưởng đến hoạt động của Bộ. Ông Lê Hồng Sơn – Trưởng phòng PC50 Hà Nội cũng khẳng định việc dừng xác minh vi phạm game bài Rikvip do CNC là Cty bình phong hoạt động nghiệp vụ của C50.
Vì vậy, luật sư Trần Hồng Phúc đánh giá, game bài Rikvip hoạt động chưa đầy 02 tháng đã bị phát hiện, nếu lúc này được ngăn chặn ngay thì không có hậu quả gần 10.000 tỷ đồng của ngày hôm nay. “Để xảy ra vụ án có trách nhiệm rất lớn của những người làm công tác trực tiếp điều tra, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lực lượng công an nhân dân” - bà Phúc nói.
Nữ luật sư kết luận: “Như vậy, ngay trong cùng lực lượng, PC50 Công an Hà Nội cũng đã nhận thức game bài Rikvip là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan cấp trên nên dừng xác minh, xử lý thì quả là khó để bị cáo Nguyễn Văn Dương nhận thức hoạt động game bài do CNC vận hành khai thác cổng thanh toán là vi phạm phải bị xử lý bởi vì ngay trong nội bộ cơ quan pháp luật cũng không cảnh báo việc này mà cho đó là hoạt động nghiệp vụ, không phải tội phạm, không cần xử lý”.
Trước đó, Nguyễn Văn Dương từng khai khi Cty VTC online bị PC50 Hà nội kiểm tra, bị cáo đã nhờ bị cáo Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng C50 can thiệp. “Anh Hóa bảo để tao lo sau đó Cty VTC không bị xử lý gì” - Dương nói.
Đại diện VKSDN tỉnh Phú Thọ cũng kết luận, bị cáo Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng đã chỉ đạo, Nguyễn Thanh Hóa truyền đạt ý kiến, ngăn cản cấp dưới hoặc cơ quan khác kiểm tra, xử lý hoạt động tổ chức đánh bạc của Cty CNC.
Tại phần tự bào chữa, Nguyễn Văn Dương mong tòa xem xét mức án của mình cao nhất trong số 92 bị cáo nhưng khẳng định sẽ không kháng cáo. Dương nói: “Tôi biết mình là người có trách nhiệm trong việc tổ chức đánh bạc. Tôi xin nhận nhưng mong tòa xem xét mức án 8 - 9 năm gần như mức cao nhất, xin cho tôi hưởng mức án phù hợp... Dù mức án như thế nào tôi nhận thức đây là trách nhiệm của tôi, tôi sẽ không thực hiện quyền kháng cáo bản án sơ thẩm. Tôi muốn có lời với doanh nghiệp Việt Nam, dù ở hoàn cảnh nào cũng nên hiểu biết và tuân thủ pháp luật để tránh xảy ra các trường hợp tương tự”.