Phản ứng của cổ phiếu ngân hàng trước tin tín dụng tăng trưởng âm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chứng khoán trong nước bước sang phiên thứ 4 tăng giá liên tiếp, dù VN-Index diễn biến tương đối giằng co. Sức ép từ nhóm ngân hàng gia tăng, sau thông tin tín dụng tăng trưởng âm.

Hôm nay (20/2) là phiên giao dịch không mấy dễ dàng với chứng khoán trong nước, áp lực chốt lời, vốn nội, ngoại cùng bán, cổ phiếu trụ nhóm ngân hàng suy yếu... đe dọa đà tăng của VN-Index.

Trong một số thời điểm, chỉ số chính đã lui về dưới tham chiếu, khi cổ phiếu nhóm VN30 gia tăng áp lực. Trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” lại xảy ra ở nhóm VN30, 16 cổ phiếu giảm giá, VN30-Index tăng nhẹ chủ yếu nhờ đóng góp của nhóm Vingroup, “anh cả” nhóm ngân hàng VCB.

VCB của Vietcombank dẫn đầu nhóm dẫn dắt thị trường, đóng cửa tăng 1,2% lên 91.300 đồng/cổ phiếu. Đây là mức tăng mạnh nhất ghi nhận được trong nhóm ngân hàng. HDB theo sau tăng 1,2%, VIB, LPB, BID tăng nhẹ. Còn lại, sắc đỏ bao trùm nhiều mã ngân hàng như OCB, SHB, VPB, EIB, CTG, ACB, MBB, TPB. Tâm điểm bán ròng khối ngoại tập trung vào một số mã ngân hàng: STB, VPB, CTG.

Phản ứng của cổ phiếu ngân hàng trước tin tín dụng tăng trưởng âm ảnh 1

Giao dịch tại nhóm ngân hàng tương đối phân hóa.

Giao dịch không mấy tích cực của nhóm ngân hàng diễn ra trong bối cảnh thị trường vừa đón nhận thông tin, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đang âm so với cuối năm 2023. Tại hội nghị sáng 20/2, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6%.

Nhóm ngân hàng suy yếu, thị trường không có nhóm ngành nào nổi lên thay thế, khiến VN-Index gặp khó. Đà tăng duy trì được có phần phụ thuộc vào các mã “họ” Vingroup. Biên độ tăng của cả 3 cổ phiếu thu hẹp so với phiên trước. VRE tăng 6% , VIC tăng 3,2%, VHM tăng 1,3%.

Thị trường trở lại trạng thái phân hóa, trên HoSE có 245 mã tăng giá và cũng có tới 231 cổ phiếu giảm giá. Trong bối cảnh ấy, nhóm chứng khoán ghi nhận giao dịch khởi sắc. Tuy nhiên, đóng góp của nhóm này đến VN-Index không lớn, do đà tăng của các mã đầu ngành còn khiêm tốn. Dòng tiền ưu ái VIX, SSI, VND. Ba đại diện nhóm chứng khoán cùng có mặt trong top cổ phiếu thanh khoản cao, trong đó, VIX dẫn đầu toàn sàn với giá trị giao dịch 909 tỷ đồng. SSI đứng thứ 2 với 642 tỷ đồng.

Sự khởi sắc của nhóm chứng khoán diễn ra trong lúc thị trường đang dành nhiều quan tâm, kỳ vọng với hệ thống KRX. Thông tin tại lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu xuân Giáp Thìn 2024, liên quan hệ thống giao dịch mới KRX, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch HoSE cho biết, dự án đã thực hiện xong giai đoạn kiểm thử người dùng cuối cùng (FAT), và tiến đến xem xét việc triển khai hệ thống trong thời gian tới.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,09 điểm (0,42%) lên 1.230,06 điểm. HNX-Index tăng 0,13 điểm (0,06%) lên 233,5 điểm. UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (0,09%) lên 90,53 điểm. Tính từ đầu năm 2024 tới nay, mới qua hơn 2 tháng, VN-Index đã tăng 100 điểm, tương đương 8,86%.

Dòng tiền dè dặt hơn, thanh khoản sụt giảm, bay khỏi mốc tỷ USD của phiên đầu tuần. Giá trị khớp lệnh HoSE gần 19.000 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 170 tỷ đồng, tập trung vào MSB, VIX, VHM, VRE...

MỚI - NÓNG