Phẫn nộ với video giả mạo cảnh máy bay gặp nạn của huyền thoại Kobe Bryant

TPO - Sau khi Kobe Bryant và con gái Gianna (13 tuổi) không may thiệt mạng trong vụ rơi trực thăng, bên cạnh những hành động tưởng nhớ huyền thoại bóng rổ thì không ít tài khoản mạng lợi dụng việc này để đăng tải video xấu nhằm trục lợi.

 Video hiện trường vụ tai nạn rơi máy bay trực thăng của huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant (nguồn: Ruptly)

Theo đó, vào ngày 26/1 (theo giờ Mỹ), cả thế giới bàng hoàng trước sự ra đi của huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant. Cựu danh thủ đội Los Angeles Lakers qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng cùng 8 người xấu số khác, bao gồm cả con gái Gianna (13 tuổi). Theo các nguồn tin, chiếc trực thăng khi bay qua vùng Calabasas, California (Mỹ) bỗng nhiên bốc cháy và rơi xuống mặt đất.

Tin dữ này nhanh chóng khiến nhiều người bày tỏ niềm thương tiếc siêu sao. Đặc biệt, Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama viết: "Kobe là một huyền thoại trên sàn đấu. Anh ấy đang có những bước đi đầy ý nghĩa sau khi giải nghệ. Việc mất đi Gianna thậm chí còn khiến chúng tôi đau buồn hơn với tư cách bậc làm cha mẹ".

Tuy nhiên, cũng kể từ khi tin huyền thoại bóng rổ và con gái bị rơi trực thăng được công bố, trên các mạng xã hội nhất là YouTube đã xuất hiện hàng loạt những video giả mạo có tiêu đề là cảnh quay trực tiếp hay khoảnh khắc cuối cùng của Kobe Bryant khi gặp nạn.

Trong số ấy, phải kể đến video có chú thích là: Cảnh máy bay trực thăng gặp nạn của nạn Kobe và con gái cô ấy, video này nhanh chóng nhận được hơn 3 triệu lượt xem sau ít giờ đăng tải; có thể thấy chủ kênh này đã khóa phần bình luận bên dưới để tránh việc bị “bóc mẽ” rằng đây là một trò lừa bịp. Không những vậy, việc huyền thoại bóng rổ bị chủ kênh YouTube trên gọi là “cô ấy” khiến cho nhiều người không khỏi phẫn nộ về sự thiếu tôn trọng đối với người quá cố.

Phẫn nộ với video giả mạo cảnh máy bay gặp nạn của huyền thoại Kobe Bryant ảnh 1 Hình ảnh trong đoạn video giả mạo cảnh rơi máy bay trực thăng của Kobe Bryant và con gái.

Cùng với đó, đoạn video khác có tiêu đề nói về vụ tai nạn máy bay trực thăng của Kobe Bryant cũng nhận được hơn 325.000 lượt xem sau ít giờ đăng tải. Nhưng video này cho phép bình luận nên nhiều người tỏ ra giận dữ và chỉ ra rằng video này là sai và chỉ trích chủ kênh YouTube vì đã đăng nó.

Một tài khoản YouTube có tên Renee Franklin bình luận: “Đừng tin mọi người ơi. Đây không phải là đoạn video quay lại cảnh rơi máy bay trực thăng của Bryant đâu. Nhìn vào địa hình những ngọn đồi ở California không giống như vậy và ở đây cũng không có sương mù…”. Cùng với đó, trang Snopes.com cũng có bài đăng bóc mẽ những video giả mạo này và cho biết, một trong những video “giật tít” là vụ tai nạn trực thăng của huyền thoại Kobe Bryant thực chất là một vụ tai nạn máy bay đã xảy ra vào tháng 12 năm 2018 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất.

Kobe Bryant sinh năm 1978, từng gắn bó và cống hiến toàn bộ sự nghiệp kéo dài 20 năm cho câu lạc bộ LA Lakers. Anh là chủ nhân của danh hiệu cầu thủ hay nhất mùa 2008, 2 lần giành MVP trong các trận chung kết NBA, giành được 2 tấm huy chương vàng Olympic. Đồng thời có 5 chức vô địch NBA và 18 danh hiệu All-Star trước khi giải nghệ vào năm 2016. Với bảng thành tích trên, Bryant thuộc nhóm những cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất trong lịch sử.

Phẫn nộ với video giả mạo cảnh máy bay gặp nạn của huyền thoại Kobe Bryant ảnh 2 Cha con Kobe Bryant và Gianna.

Bên cạnh đó, Kobe Bryant còn sáng tác bài thơ Dear Basketball - tác phẩm được chuyển thể thành phim hoạt hình ngắn bởi Glen Keane. Bộ phim này sau đó mang về tượng vàng Oscar cho hai cá nhân ở hạng mục Phim hoạt hình ngắn xuất sắc hồi đầu năm 2018.

Theo CNET, Snopes
MỚI - NÓNG