Sáng nay (20/8), Báo Tiền Phong phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình tổ chức Hội nghị tập huấn phân loại rác tại nguồn cho giáo viên, học sinh trên địa bàn quận Ba Đình.
Hội nghị có sự tham dự của nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, ông Nguyễn Như Tùng, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cùng sự tham dự của các chuyên gia, diễn giả đến từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live and Learn Việt Nam) và gần 150 đại biểu là giáo viên, học sinh trên địa bàn quận Ba Đình.
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ tại Hội nghị. |
Chia sẻ tại Hội nghị, nhà báo Phùng Công Sưởng cho biết, những năm qua, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp ở hầu hết các địa phương. Tình trạng rác thải không được thu gom, xử lý gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, mất mỹ quan đô thị, hình thành nhiều điểm ô nhiễm nghiêm trọng, tác động đến sức khoẻ và cuộc sống của người dân.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện phát sinh gần 68.000 tấn mỗi ngày, tỷ lệ thu gom khoảng 88%, trong đó tỷ lệ chôn lấp lên tới trên 64%, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
“Ngay tại Thủ đô Hà Nội, trên con đường đi học, đi làm hay đi chơi, chúng ta có thể dễ dàng trông thấy những điểm vứt rác bừa bãi, nhếch nhác. Những năm qua, nhiều lần xuất hiện tình trạng ùn ứ rác thải tại Hà Nội dẫn đến việc hình thành những điểm tập trung rác lộ thiên kéo dài ngay giữa phố phường Thủ đô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông, sinh hoạt, làm giảm sút chất lượng sống của chúng ta”, ông Sưởng nêu.
Các đại biểu tham dự Hội nghị sáng nay (20/8). |
Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, việc phân loại rác tại nguồn mang lại những lợi ích hết sức lớn lao. Các nghiên cứu đã chỉ ra, phân loại giúp giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý, tăng lượng rác thải có thể tái chế, tái sử dụng. Từ đó, giảm lượng rác thải phải chôn lấp hoặc đốt, tiết kiệm tài nguyên đất và giảm ô nhiễm môi trường.
Thống kê cho thấy, nếu thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm 60-75% lượng rác là rác thực phẩm, giảm 15-20% lượng rác là rác tái chế, chỉ còn khoảng 25-30% rác thải phải mang đi chôn lấp hoặc xử lý tại các nhà máy, mang lại hiệu quả rất lớn với môi trường và sức khoẻ con người.
Tuy nhiên, lãnh đạo Báo Tiền Phong cũng chia sẻ, việc hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn của tất cả mọi người là hành trình không hề dễ dàng. Các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng mất nhiều năm để có thể làm điều này.
“Vì vậy, với mong muốn góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động phân loại rác tại nguồn, hôm nay Báo Tiền Phong phối hợp với Phòng giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình tổ chức Hội nghị Tập huấn phân loại rác tại nguồn cho gần 150 thầy cô và học sinh trên địa bàn Quận. Chúng tôi hy vọng, Hội nghị sẽ giúp các giáo viên, học sinh trang bị và cập nhật những quy định mới nhất, nắm được kỹ năng phân loại rác tại nguồn, từ đó giúp lan toả hành động phân loại rác tại nguồn trong trường học, gia đình và cộng đồng”, lãnh đạo Báo Tiền Phong nói.
Các em học sinh quận Ba Đình hào hứng tham dự Hội nghị tập huấn phân loại rác. |
Theo quy định Luật Bảo vệ Môi trường, chậm nhất ngày 31/12/2024, các địa phương chính thức thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tại Hà Nội, số liệu thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho thấy, mỗi ngày thành phố có khoảng 7000-7500 tấn rác thải sinh hoạt, trung bình mỗi người thải ra 0,8kg/ngày. Trong đó, gần 62% rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt rác phát điện, còn lại là xử lý chôn lấp hợp vệ sinh.
Hà Nội đang thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 06 quận gồm Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Nam Từ Liêm và Hoàng Mai, tiến tới việc triển khai nhân rộng tại 30 quận, huyện, thị xã từ 01/01/2025 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Sau Hội nghị hôm nay, Báo Tiền Phong sẽ trao tặng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình 24 thùng rác nhằm thí điểm thực hiện phân loại tại nguồn theo quy định mới ở hai trường học trên địa bàn quận, nối dài hành trình từ lý thuyết đến thực hành.