Phận gái rót bia và những trận đòn

Dương Thị Danh và đồng phạm tại tòa.
Dương Thị Danh và đồng phạm tại tòa.
TP - Bị đánh đập, ép chiều khách, ép nhận nợ… là những điều gái rót bia phải đối mặt khi phục vụ trong các quán karaoke.

Bị đánh, ép nhận nợ vì không chiều khách

TAND TP Hà Nội hôm 21/10 mở phiên tòa phúc thẩm vụ án cướp tài sản với các bị cáo Dương Thị Danh (SN 1992, ở Quảng Xương, Thanh Hóa), Nguyễn Văn Linh (SN 1989, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Hoàng Văn Huy (SN 1980, ở Chi Lăng, Lạng Sơn). Diễn biến tại tòa cho thấy, chị Hoa (SN 1999, ở Chương Mỹ, Hà Nội). Cả ba đều thuộc đội ngũ tiếp viên chuyên phục vụ tại các quán karaoke do Danh tổ chức. Khi được điều động, Hoa và “đồng nghiệp” phải đến các quán karaoke phục vụ khách. Trong đó Linh chịu trách nhiệm quản lý chung còn Huy thì chuyên chở các tiếp viên đến “nơi làm việc”.

Đêm 20/8/2015, Hoa và một số nhân viên phục vụ nhóm khách ở một quán trên địa bàn Chương Mỹ nhưng bị khách hát phàn nàn phục vụ không tận tình. Danh liền bảo Nam cùng Linh, Huy sang phòng trọ của Hoa cảnh cáo và bắt tiếp viên này nộp phạt 100.000 đồng. Khi Hoa phản đối, Nam và Huy liền đánh đập rồi lấy giấy bút, ép cô tiếp viên phải viết giấy nhận nợ 20 triệu đồng. Cô không đồng ý, Danh dọa: “Mày cứ viết đi. Giấy này chỉ đề phòng khi mày không làm nữa thôi. Còn không viết sẽ tiếp tục bị ăn đòn”.

Sau đó, Hoa lén nhờ một vị khách chuyển giúp tờ giấy nhận nợ khống nêu trên đến gia đình và nói rõ cho người thân biết mình đang bị khống chế. Nhận tin, gia đình Hoa báo công an. Ngày 18/8/2016, TAND huyện Thanh Trì xử phạt Dương Thị Danh 7 năm 5 tháng tù, các bị cáo khác từ 4 đến 7 năm 3 tháng tù cùng về tội cướp tài sản. Sau đó, Danh, Huy và Linh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng bị bác trong phiên phúc thẩm

Bị cướp vì nghỉ việc sớm

Học hết lớp 9, Lê Thị Ánh (SN 1999) từ quê Vĩnh Phúc về Hà Nội cùng Nguyễn Hữu Anh (SN 1992, ở Gia Lâm, Hà Nội) và Nguyễn Sỹ Chung (SN 1996, ở Bắc Ninh) lập đường dây cung cấp gái rót bia trong các quán karaoke. Cả nhóm tuyển được 3 “chân dài” gồm chị Lý (SN 1989, ở Ninh Bình). Mỗi khi có khách, Ánh điều các cô gái “chạy sô” tới các quán. Chung được giao nhiệm vụ đưa đón Lý cùng 2 nhân viên khác đi làm. Theo quy định của nhóm, mỗi khi có khách, các tiếp viên phải trả cho Ánh 50.000 đến 70.000 đồng/2 giờ phục vụ.

Làm việc được 3 ngày, chị Lý tự ý bỏ đường dây của Ánh và mới trả cho má mì 100.000 đồng tiền phục vụ khách, còn nợ 330.000 đồng. Ngày 6/3, Ánh dò biết chị Lý đang phục vụ tại một quán hát ở thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội). Lập tức, Ánh cùng Chung và Anh tới tìm chị Lý đòi tiền. Tới nơi, cả nhóm lao vào đánh đập chị Lý, ép về phòng trọ để tiếp tục hành hạ.

Phận gái rót bia và những trận đòn ảnh 1

Tiếp viên phục vụ khách trong một quán hát (ảnh minh họa)

Nạn nhân sau đó phải trả cho Ánh 300.000 đồng nhưng “má mì” vẫn đánh đập, ép chị Lý đưa hết tiền còn lại khoảng 500.000 đồng để bù cho mấy ngày “tự ý nghỉ việc”. Bị hại sau đó xin lại được 100.000 đồng để thuê xe về nhà trọ. Hôm sau, chị Lý tố cáo hành vi của Ánh và đồng bọn. Sau đó, TAND huyện Gia Lâm  tuyên phạt Ánh 27 tháng tù, Anh và Chung mỗi bị cáo 36 tháng tù về tội cướp tài sản. Cả ba người làm đơn kháng cáo nhưng bị TAND Hà Nội bác vào ngày 30/11.

Nợ nần chồng chất

Trao đổi với PV trong một quán karaoke tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), chị Linh (SN 1990, quê Phú Thọ) một nhân viên cho biết hầu hết các cô gái “rót bia” đều thuộc quản lý của một nhóm nào đó. “Làm nghề này cũng chịu khổ nhiều vì khách chỉ cần mình khi say khướt và không phải ai cũng lịch sự, chủ thì ép nhiều thứ. Khi có khách chủ sẽ điều động nhân viên, lái xe ngoài việc chở bọn em còn mang theo sổ để ghi chép thời gian tiếp khách. Em làm ở đây là 300.000/ 2 giờ thì phải trả cho chủ 100.000. Nhiều đứa ăn gian hoặc bị khách chê là bị chủ đánh ngay, em thì chưa bị lần nào” -  Linh nói.

Cùng cảnh ngộ, chị Hoa (quê Tuyên Quang) cho biết, có chồng và mẹ ruột bị bệnh nặng nên xuống Bắc Ninh làm nhân viên cho một quán karaoke. “Hôm chồng xuống Bạch Mai, nhà em vay gần 100 triệu đồng mà gần năm nay chưa trả hết nửa, hôm mẹ ốm, em lại vay thêm chủ mấy chục triệu cũng may không bị tính lãi vì mình chỉ làm ở đây chứ nhân viên “chạy sô” vay tiền có khi lãi 5.000 một triệu. Đứa nào không trả đủ là bị đánh xong ép làm một chỗ, không cho “chạy sô” vì họ sợ trốn mất” – chị Hoa nói.

MỚI - NÓNG