Dù bước vào tuổi 43, Kim Jeong Mi vẫn bán thân trong khu đèn đỏ Cheongryangri tại thủ đô Seoul. Kim tâm sự cô từng cảm thấy tủi thân khi thù lao sau mỗi lần chiều khách chỉ từ 20.000 tới 30.000 won (khoảng 18 tới 27 USD), chưa bằng 1/3 thu nhập của những "đào" trẻ hơn. Đôi khi cô chỉ lấy của khách 10.000 won vì chán chường. Tuy nhiên, thù lao bèo bọt không phải là vấn đề tồi tệ nhất.
Vào một đêm hồi tháng 7/2012, cảnh sát Seoul ập vào nơi Kim đang phục vụ khách. Họ thu một bao cao su cùng vài thứ. Sau đó cảnh sát yêu cầu Kim mặc quần, áo để thẩm vấn trong khi tiếp tục chụp ảnh cô.
Bất bình trước hành động của cảnh sát, Kim từ nộp khoản tiền phạt 500.000 won. Với sự hậu thuẫn của một nhóm luật sự, cô yêu cầu Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc bỏ luật chống mại dâm.
Sau khi thảo luận trong hai năm, vào tháng 4/2014, chủ yếu dựa vào các tài liệu tham khảo, tòa án tiến hành một phiên điều trần công khai. Tháng 2 năm nay, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc nhất trí công nhận hành vi ngoại tình. Theo giới phân tích, quyết định ấy phản ánh thay đổi về quan niệm tình dục trong xã hội Hàn Quốc.
Hoạt động mại dâm khu đèn đỏ ở Seoul. Ảnh: New York Times.
Cuộc đời gái mại dâm và sự thật
Sau khi cha, mẹ qua đời, Kim bỏ học và làm nhiều việc để sinh tồn. Tuy nhiên, cô không thể bê, khiêng vật nặng hoặc đứng yên một giờ. Một vụ tai nạn giao thông từ thời thiếu nữ khiến chân phải của Kim nát. Do không chữa đúng cách, Kim phải sống cùng thương tật trong quãng đời còn lại.
Kim đang thuê phòng trọ ở Seoul với giá 400.000 won/tháng. Hằng ngày, từ 19h tới 4h hôm sau, trừ chủ nhật, Kim bán thân tại phố đèn đỏ Cheongryangri.
Theo New York Times, những “căn phòng thủy tinh” mọc nhan nhản khắp nơi trong phố đèn đỏ. Các cô gái trẻ mặc váy ngắn, đeo giày cao gót ngồi trong phòng, dưới ánh đèn neon màu trắng pha hồng. Khi nam giới đi qua, phụ nữ gõ vào cửa và gọi với ra ngoài “Mời các anh vào đây và thư giãn!”.
“Tôi và các cô gái gặp mọi loại người. Những kẻ say đánh chúng tôi mà không cần lý do, nhiều tên đòi lại tiền”, Kim kể.
Theo Kim, nhiều gái mại dâm muốn rời khỏi khu đèn đỏ và tìm một công việc khác, nhưng không thành công.
“Tôi muốn pháp luật thừa nhận mại dâm là một nghề, một cách kiếm sống hợp pháp. Nghề của chúng tôi vẫn tốt hơn nghề đạo chích, đúng không?”, Kim đặt câu hỏi.
Người đàn ông đạp xe qua những cô gái bán dâm trong khu đèn đỏ ở thành phố Seoul. Ảnh: Japan Times.
Nghề gây tranh cãi
Mại dâm là hành vi bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Người vi phạm phải nộp tiền phạt hoặc nhận án tù lên tới một năm, đối với gái mại dâm và khách, mức cao hơn dành cho chủ nhà thổ. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật không khiến tình hình mại dâm giảm. Ngược lại, số người tới các khu đèn đỏ càng tăng.
Thảm kịch 14 gái bán dâm trẻ kẹt trong phòng và chết vì hỏa hoạn hồi năm 2012 cùng sự giận dữ của dân chúng là những lý do khiến chính phủ Hàn Quốc phát động chiến dịch mạnh mẽ nhằm triệt phá ngành thương mại tình dục. Đạo luật rà soát hoạt động mại dâm chính thức có hiệu lực từ năm 2004.
Nỗ lực trấn áp liên tục của cảnh sát khiến số lượng khu đèn đỏ tại xứ kim chi giảm từ 69 xuống 44 chỉ trong một năm (2012-2013), đồng thời số phụ nữ hành nghề cũng giảm từ 9.100 xuống 5.100, theo kết quả thống kê của chính phủ Hàn Quốc.
Những người chỉ trích đạo luật mới khẳng định con số thực tế lớn hơn nhiều, bởi chính phủ chưa tính số lượng gái mại dâm tại quán bar, mạng xã hội hoặc các ứng dụng hẹn hò trên điện thoại.
"Họ là những người phải vật lộn để kiếm sống, bất chấp sự kỳ thị của xã hội. Chúng ta có nên đẩy gái bán dâm đến cái chết bằng cách quy kết họ thành tội phạm?”, Park Kyung Shin, một giáo sư ngành luật tại Đại học Quốc gia Seoul, nói. Ông Park đặt câu hỏi như vậy khi đề cập tới trường hợp một gái mại dâm 24 tuổi tử vong sau khi nhảy khỏi tầng 6 để thoát cuộc trấn áp của cảnh sát hồi tháng 11/2014.
Theo Chung Kwan Young, luật sư bảo vệ quyền lợi của gái mại dâm Kim, chính phủ nên thay đổi luật để chấp nhận và điều tiết hoạt động của các khu đèn đỏ. Trong khi đó, Choi Tae Won, một luật sư của Bộ Tư pháp phản bác quan điểm của Chung. Ông cho rằng đạo luật giống như “chiến tuyến cuối cùng" để ngăn chặn sự đồi trụy.
"Nếu luật chống mại dâm không tồn tại, người ta sẽ nhanh chóng nhìn nhận tình dục như một món hàng”, ông Choi lập luận.
Choi Hyun Hi, một luật sư đại diện cho Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, nghi ngờ "câu cửa miệng" của gái mại dâm rằng họ hành nghề vì mưu sinh. “Mặc dù chúng ta còn nghe nhiều chuyện buồn về cuộc sống mưu sinh, luật pháp vẫn phải phạt kẻ cắp, đúng không?”, bà nói.
10 trung tâm cải tạo dành cho gái mại dâm đang hoạt động, đồng thời hỗ trợ họ chi phí sinh hoạt từ 600.000 đến 900.000 won mỗi tháng, chính phủ Hàn Quốc cho biết. Năm ngoái, chương trình giúp 226 gái mại dâm trở lại trường học và 640 người khác tìm thấy công việc mới.
Tuy nhiên, Kim không tin chính phủ và sẽ tiếp tục hành nghề. Theo Kim, một đồn cảnh sát nằm đối diện lối vào khu đèn đỏ. Cảnh sát vẫn tuần tra nhưng không bắt nó ngừng hoạt động.
"Họ đến và bắt vài phụ nữ không may mắn rồi thu tiền phạt", Kim nói.