Phân biệt đối xử

Phân biệt đối xử
TP - Người ta tìm đủ lý do để kỳ thị người đồng tính, người khuyết tật… chung quy chỉ có một lý do cơ bản: Họ đã quen phân biệt đối xử với những người (mà họ cho là) khiếm khuyết hơn mình.

> Miss Peru bị 'ném đá' vì kỳ thị người đồng tính

Phân biệt đối xử có hai điều nguy hại: Thứ nhất, sai lầm về tiêu chí để phân biệt đối xử; Thứ hai, phân biệt đối xử dẫn đến kỳ thị - một hành vi không thiện chút nào, ở nhiều nước còn là vi phạm pháp luật.

Bàn về tiêu chí, tôi nhớ một bộ phim Việt Nam từng nói: “Phải, thay vì phân loại nhau theo độ tốt bụng, hiểu biết, lòng bao dung…, người ta phân loại nhau theo địa vị, tiền bạc, vẻ bề ngoài…”.

Chẳng phải từ trên trời rơi xuống, thói phân biệt đối xử ăn sâu vào chúng ta từ trong quá trình giáo dục.

Chẳng hạn, sao cứ phải cố sức chạy cho con vào trường điểm? Chưa xét đến chất lượng học tập, cái mác học sinh trường điểm bao giờ chẳng nghe oai hơn trường không điểm. Trong một trường cũng thế, lớp điểm được xếp chiếu trên so với lớp không điểm.

Người lớn giải thích, phân loại như vậy là có lý vì nó dựa theo học lực. Nhưng tâm lý phân biệt, coi thường nhau hình thành giữa những đứa trẻ thì làm gì có chuyện chỉ cần chúng rời khỏi ghế nhà trường là chấm dứt. Trái lại, tâm lý đó theo con người ta suốt đời, để rồi thấy bất cứ thứ gì hơi khác thường, không giống mình (chưa nói là kém hơn hay không) họ lại đưa thái độ phân biệt đối xử có sẵn đó ra sử dụng.

Thói kỳ thị cứ thế tràn lan. Người dị tính kỳ thị người đồng tính (dù dị tính hay đồng tính không quyết định người đó yêu sâu sắc hay hời hợt). Người khỏe mạnh kỳ thị người khuyết tật (dù cho với loại người nào thì khuyết tật về tâm hồn, chứ không phải về thể xác, mới là điều đáng lo nhất).

“Tôi là người bình thường, hãy coi tôi là người bình thường”, không thể đếm được bao nhiêu lần tôi nghe câu nói này từ những người đồng tính, chuyển giới và khuyết tật, trong các hội thảo, buổi chiếu phim, giao lưu… Họ khát khao đến cháy bỏng không bị phân biệt đối xử.

“Những ánh mắt khinh thường, những tràng cười ác ý, chúng tôi đã quá quen. Nhưng chúng tôi nghĩ đơn giản rằng, tàn tật hay lành lặn thì đều bình đẳng một điều: đã làm người thì phải cố gắng sống có ích”, một chàng trai khuyết tật chia sẻ trong một bộ phim tài liệu.

Người bị coi là khác thường thì khát khao khẳng định “tôi bình thường”, còn người vốn bình thường thì lại mong muốn được “khác thường”, hoặc một từ hay ho hơn, “đặc biệt”.

Chẳng hạn, mới đây, khi một giáo viên Mỹ đọc bài diễn văn “Các em chẳng có gì đặc biệt” ở tận bên Massachusetts, nhiều người Việt đã giãy nảy, viết tâm thư phản bác ông thầy Mỹ. Chứng tỏ chúng ta thích được đặc biệt đến mức nào. Bình thường, lẫn trong đám đông- nhiều người chẳng bao giờ muốn.

Nhưng đến đây lại phải đặt câu hỏi: Thế nào là chuẩn của cái sự “bình thường”?

Hay ngắn gọn hơn: Thế nào là bình thường?

Còn nhớ lời một cô gái chuyển giới (cô có cơ thể nam giới nhưng cảm nhận mình là nữ): “Nếu bạn là con gái, luôn muốn mặc điệu đà nữ tính, vậy mà người ta lại bắt bạn mặc đồ nam, cắt tóc con trai, đi đứng nói năng như con trai, rồi bắt phải yêu con gái, bạn chịu không? Tôi cũng vậy, nghĩ mình là một cô gái, sao bắt tôi phải làm con trai để được coi là bình thường”.

Với cô gái chuyển giới ấy thì cái chuẩn bình thường của mọi người đâu có giống của cô. Rõ ràng sự lệch chuẩn tồn tại trên thế giới này, đồng thời với các chuẩn mực. Vấn đề là mọi người chịu chấp nhận cái lệch chuẩn đó hay không. Hoặc nhẹ nhàng hơn là, chấp nhận sự khác biệt của người khác.

Rất may là người ta đã dần nhìn nhận ra vai trò của giáo dục. Trong hội thảo về người chuyển giới gần đây, một giảng viên đại học đã đứng dậy cho ý kiến: Để chống kỳ thị, cách lâu dài nhất và hiệu quả nhất, là phải giáo dục cho học sinh, sinh viên có nhận thức đúng về người đồng tính, người chuyển giới, để có thái độ tôn trọng, không phân biệt, kỳ thị ngay từ trong nhà trường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG