Phạm Quỳnh - những góc nhìn từ Huế

Phạm Quỳnh - những góc nhìn từ Huế
TP - Nhận dạng lại chân dung nhân vật lịch sử Phạm Quỳnh có khá nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá là khách quan và khoa học. Phạm Quỳnh - một góc nhìn (PQMGN) là công trình biên khảo của Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan.

> Ra mắt sách lạ kỳ của Phạm Quỳnh

Nhạc sĩ Phạm Tuyên, đại diện gia đình cụ Phạm Quỳnh đến dự buổi giới thiệu sách
Nhạc sĩ Phạm Tuyên, đại diện gia đình cụ Phạm Quỳnh đến dự buổi giới thiệu sách.

Tác phẩm được NXB Công an nhân dân cấp phép và ấn hành quý 3/2011. Cuốn sách được đông đảo độc giả đón nhận, dư luận đánh giá cao. Đúng một năm sau, quý 3/2012, tác giả tiếp tục cho mắt tập 2, dày hơn 300 trang, cũng do NXB Công an nhân dân cấp phép.

Tại Trung tâm Du lịch Huế xưa - Huế nay, TP Huế, đêm 30-8-2012, Hội đồng họ Phạm tỉnh Thừa Thiên Huế và gia đình tác giả tổ chức ra mắt tác phẩm PQMGN.

PQMGN tiếp tục khẳng định những đóng góp của Phạm Quỳnh trên nhiều lĩnh vực. Điều lý thú, từ cuộc tọa đàm này cho thấy còn rất nhiều tư liệu mới, nhiều góc nhìn mới, trong đó có những góc nhìn riêng từ Huế về Phạm Quỳnh đủ sức gây cảm hứng cho tác giả Nguyễn Văn Khoan tiếp tục công trình biên khảo PQMGN tập 3.

Bìa sách
Bìa sách.

Nhà nghiên cứu (NNC) Phan Thuận An, gần đây tìm thấy hai tờ Châu bản triều Nguyễn liên quan đến chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa. Hai tờ Châu bản này do cụ Phạm Quỳnh làm tờ trình để vua Bảo Đại châu phê.

Bề ngoài Phạm Quỳnh tuy nhã nhặn, hoà hoãn, nhưng ông ta là một phần tử bất khả phân trong chủ trương giành độc lập cho Việt Nam và chúng ta đừng mong làm gì với lòng ái quốc chí thành, bất di bất dịch nơi ông ta...

Lần này, trong hàng ngàn cổ vật lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, Phan Thuận An đã nghiên cứu và giới thiệu về bức Trấn phong Thiên tử từ thần, một tư liệu quý, có giá trị văn bản học, một sự tôn vinh về cả tài năng và nhân cách của thuộc cấp, của những người bạn đồng liêu đối với cụ Phạm Quỳnh - một người rất giỏi về văn chương, có công lớn trong việc phò tá nhà vua về lĩnh vực này.

Tâm phục khẩu phục bút ký Mười ngày ở Huế, NNC Nguyễn Đắc Xuân chia sẻ về sự tác động và ảnh hưởng rất lớn của Phạm Quỳnh đối với bản thân mình trong quá trình nghiên cứu Huế, viết sách giới thiệu về Huế.

Cũng từ những nội hàm văn hoá Huế và vị thế của Huế được cụ Phạm phân tích, bình luận trong bút ký này, Nguyễn Đắc Xuân đã có một tham luận, đề xuất mô hình xây dựng Huế trở thành thành phố nhân văn.

Dưới góc nhìn của một nhà phê bình văn học, PGS-TS Hồ Thế Hà phân tích và đánh giá “ký văn học, ký văn hóa - một phẩm tính đem lại sự thành công và sức sống nhân văn bền vững cho những trang viết giàu cảm xúc - trí tuệ - nghệ thuật của Phạm Quỳnh”.

Đọc bài của GS Nguyễn Đình Chú, nhà văn Hà Khánh Linh rất tâm đắc và rất cảm động khi thấy người tự nhận mình từng là “đối phương” của cụ Phạm đã có sự “đổi giọng” với lý do lịch sử cần được nhìn nhận lại. Hà Khánh Linh xem sự “đổi giọng” ấy là thái độ tích cực và vai trò của trí thức.

Với cụ Phạm, nhà văn Tô Nhuận Vỹ cũng có một niềm sâu thẳm. Ông đề nghị: Đã đến lúc Nhà nước cần kết luận và vinh danh chính thức sự đóng lớn lao cho Văn hóa dân tộc của cụ.

Cùng mạch tư duy với nhà văn Tô Nhuận Vỹ, ý kiến của nhà văn Nguyễn Khắc Phê mở rộng vấn đề: Đây không còn là chuyện riêng của cụ Phạm Quỳnh.

Ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Phạm Quỳnh và cả nội các bị thay thế, ông đã lui về sống cuộc đời của người ẩn sĩ trong ngôi biệt thự bên bờ sông Lợi Nông, không tham gia chính phủ thân Nhật của Trần Trọng Kim, không chạy theo người Pháp để được tỵ nạn, cũng không theo cách mạng. Ông nặng lòng với nước theo cách của mình.

Có một điều ai cũng phải thừa nhận, Phạm Quỳnh là người suốt đời cần mẫn với công việc, nếp nhà thanh bạch. Từng giữ nhiều trọng trách trong triều nhưng không có tài liệu nào cho thấy ông là kẻ tham quan, lạm dụng chức quyền cho những mục đích cá nhân.

Xét về phương diện này, cho đến hôm nay ông vẫn là một tấm gương soi đối với những người được gọi là “công bộc của dân”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG