Phạm Minh Tuấn: 'Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ'

TP - Ca khúc mới nhất của Phạm Minh Tuấn là “Tiếng gọi từ lòng đất” viết từ “lòng đất” Mỹ Lai. Ông có nhiều chuyện để chia sẻ trong tháng Tư này: Từ “Bài ca không quên”-những dòng nhật ký bằng âm nhạc, đến câu kết tuyệt diệu “Ðất nước tôi sáng ngời muôn thuở khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ” trong hùng ca “Ðất nước”. Cả nỗi đau riêng tư lớn của một trong những nhạc sĩ Việt Nam thành công nhất...

Những bài ca không quên

Nghe nói ông viết “Tiếng gọi từ lòng đất” khá nhanh. Người dân Quảng Ngãi đón nhận nó thế nào?

Tôi viết hơn một tháng thì xong. Cuối năm 2016 khi chị Trương Ngọc Thủy (Chủ tịch Quỹ Hòa bình Mỹ Lai) và Minh Hạnh (nhà thiết kế) mời tôi đi thực tế ở Mỹ Lai, tôi ngại lắm, chần chừ vì mình lớn tuổi rồi sợ viết không ra sao.

Tôi đọc sách về vụ thảm sát, đi bảo tàng, tiếp xúc với các nạn nhân, nhân chứng sống sót của vụ thảm sát như anh Phạm Thành Công, cố gắng đạt tiêu chí, kỳ vọng của mọi người. Bài hát hoàn thành, các chị ấy đề xuất Cao Minh hát, tôi thấy phù hợp. Tiếng gọi từ lòng đất vang lên từ dịp tưởng niệm năm ngoái. Năm nay chẵn 50 năm thảm sát Mỹ Lai vẫn Cao Minh thể hiện trong lễ tưởng niệm, nghe xong nhiều người rơi nước mắt. Sự đón nhận của người dân Quảng Ngãi đối với bài hát khiến tôi rất vui.

Phạm Minh Tuấn: 'Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ' ảnh 1 Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Ảnh: Nguyễn Ðình Toán.

Nhiều vụ thảm sát trong chiến tranh không chỉ Mỹ Lai? Vụ Mỹ Lai chỉ lớn nhất mà thôi?

Đúng, nhiều lắm.

Tôi nhớ năm 1961 lần đầu về vùng giải phóng ở Trảng Bàng, Tây Ninh, có dự một “giỗ hội” phục dựng vụ thảm sát thời kháng Pháp. Pháp bỏ bom chết cả ấp cả làng, tôi phải đi ăn giỗ hết nhà này nhà kia. Không ngờ từ thời Pháp đã có một cái làng chết cả như thế, bởi bom đạn.

Hỏi Phạm Minh Tuấn: “Ông có sự nghiệp cách mạng trọn vẹn. Về cuộc sống và xã hội hiện nay, có khi nào ông nghĩ nó chưa hẳn xứng đáng với sự cống hiến hy sinh của mình và đồng đội?”.Ông đáp: “Một nhà triết học tôi quên tên có nói một câu tôi thấy thấm thía, trở thành phương châm sống của mình: “Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời”.

Tới chống Mỹ thì không chỉ Mỹ Lai đâu. Ít nhất ở Điện Bàn, Quảng Nam có vụ lính Nam Hàn sát hại dân lành. Năm 1964 tôi về xã Tân Hào, Giồng Trôm, Bến Tre. Đoàn Văn công Giải Phóng mà tôi là một chiến sĩ đóng quân ở đó, rút quân hôm trước thì hôm sau bàng hoàng biết họ sát hại cả một cái làng! Thảm khốc lắm. Các em nhỏ đang học bị bỏ bom chết hết.

Năm 1963 xảy ra thảm sát ở ấp Cầu Xe, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh do Mỹ tiến hành. Nhạc sĩ Xuân Hồng có bài hát Qua trường Cầu Xe đầy xúc cảm về vụ này. (Trường học cũng bị bỏ bom như vụ Giồng Trôm). Trước đó năm 1960 ở Tây Nguyên, Mỹ - Diệm gây ra vụ phát gạo tẩm thuốc độc cho dân. Chết nhiều lắm.

Nói chung thảm sát nhiều, không chỉ Mỹ Lai. Họ giết dân để triệt tiêu lực lượng bổ sung cho quân giải phóng và lực lượng nuôi giấu cách mạng, loại trừ mầm mống sau này. Và để dằn mặt những người định theo quân giải phóng.

Về  “Bài ca không quên”, quả là những dòng nhật ký sâu thẳm bằng âm nhạc của ông và đồng đội- đúng như ông nói.

Bài ca không quên là nhật ký ghi lại một thời chiến đấu của tôi và đồng đội, đồng thời nhắc nhở mọi người về ký ức đó, đừng bao giờ quên; rằng dù gì cũng phải giữ vững tư thế của người chiến sĩ để vượt qua khó khăn. Cụ thể hồi đó mất mùa phải ăn bo bo, rồi chiến tranh biên giới...

Bài hát sáng tác từ thập kỷ 80 thế kỷ trước, bây giờ tính thời sự vẫn đó?

Đó là nhận xét của nhà báo, tôi không dám khẳng định nhưng nhiều người nói mỗi khi nghe bài hát họ lại dâng đầy cảm xúc, nhớ kỷ niệm xưa, để rồi có niềm tin giúp vượt qua thử thách hiện tại. Thật may mắn và hạnh phúc cho tôi vì bài hát được yêu thích từ thế hệ này sang thế hệ khác như vậy.

Phạm Minh Tuấn: 'Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ' ảnh 2 Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trong một chuyến đi thực tế cùng các nhà thiết kế và hoạt động văn hóa năm 2016. (Phía sau là tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Nam).

 “Thon thả giọt đàn bầu” và “Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ”

Nếu “Bài ca không quên” bước ra từ một bộ phim để rồi đem lại vinh quang cho nhiều người: Cẩm Vân, Thương Tín... thì “Ðất nước” được ông viết chật vật hơn? Ông và nhà thơ Tạ Hữu Yên từng giải thích vì sao lại “ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Mong ông phân tích thêm về ca từ lắng đọng sâu sắc và giai điệu trầm hùng khiến “Ðất nước” trở thành bài hát “đinh” và đỉnh trong các chương trình?

Năm 1984 tôi được đọc bài thơ Đất nước tôi của Tạ Hữu Yên, ảnh mất rồi. Tôi thấy hay. Thơ rất tình cảm, rất hùng tráng nhưng lại đi vào chi tiết, nặng về tình tự dân tộc. Khác với cách viết của nhiều người về đất nước. Ngôn ngữ dịu dàng đằm thắm rất Việt Nam, cho thấy tầm vóc đất nước mình qua 4000 năm lịch sử.

Bắt tay vào phổ thơ từ 1984 nhưng viết hoài mà không ra hồn gì cả. Năm sau, kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước, tôi đầu tư tiếp và rồi cũng hoàn thành. Người hát đầu tiên là Ngọc Tân. Đến năm 1988 Thế Hiển mang ra Hà Nội biểu diễn, từ đó bài hát được cả nước biết và đón nhận đến giờ như bạn nói.

Câu kết thật bất ngờ, độc đáo trữ tình: “Ðất nước tôi sáng ngời muôn thuở, khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ” là của ông chứ không phải Tạ Hữu Yên, và vì sao ông chọn cách kết như vậy, kể cả trích thơ Hồ Chủ tịch?

Thời điểm 1985 ta trải qua chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc phức tạp, nếu nói quá nhiều về sự mất mát thì nhiều vị chức sắc không vui đâu, thậm chí cấm đoán không chừng. Làm thế nào, vì sao bài hát sống được? Thì nó phải kết bằng một câu thơ có sức nặng và không thể ai phủ định!

Câu kết đó- Đất nước tôi sáng ngời muôn thuở, khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ vừa đẹp vừa vững vàng, như lời khẳng định: Đất nước ta từ khi có Đảng có Bác đã trở thành đất nước Việt Nam như hôm nay. Âm hưởng rất trữ tình. Bài hát này cũng giống như một bài thơ! Thơ với nhạc quyện chặt, kể cả thơ Bác Hồ. Tôi chưa từng phân tích với ai về câu kết này cho đến khi bạn hỏi. 

Tạ Hữu Yên mở đầu bài thơ Đất nước tôi bằng câu Đất nước tôi thong thả giọng đàn bầu. Tôi thấy cũng được nhưng muốn chỉnh một tí: Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu. Đàn bầu chỉ một dây, giọt trong vắt, vang lên trầm bổng, thanh thoát, đẹp, rót vào tim vào óc người Việt kể cả ở hải ngoại. “Giọt” và “thon thả” là hình ảnh rất gợi: dáng hình đất nước chữ S, dáng hình người phụ nữ Việt Nam.

Câu này nữa của Tạ Hữu Yên: Ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về nhà mẹ ba gian. Với sự nhạy cảm của người biểu diễn trên sân khấu, tôi thấy hát câu này lên nó thế nào ấy còn ca sĩ thấy ngường ngượng. Nhà ba gian là cách đền ơn đáp nghĩa của chế độ cho người mẹ có con hy sinh. Nhà có thể ba gian có thể một gian, cái chính là mẹ lủi thủi ra vào lặng lẽ không có ai tâm sự, chia sẻ, ba đứa con lên đường thì hai không trở về. Cho nên tôi viết: Các anh không về mình mẹ lặng im.

Sau này trên tạp chí Sóng Nhạc của Hội Nhạc sĩ TPHCM anh Tạ Hữu yên có bài viết, nói rất chân thành: 50 phần trăm ca từ Đất nước là của Phạm Minh Tuấn.

Nhà thơ tán thành, không phàn nàn gì việc ông sửa “thong thả” thành “thon thả”, “giọng đàn bầu” thành “giọt đàn bầu”?

Nhà thơ và nhạc sĩ hòa điệu được như thế thật mừng (cười).

Ông có nhớ mình đã soạn nhạc cho bao nhiêu tác phẩm điện ảnh, sân khấu?

Không nhớ được vì tôi soạn cả phim, kịch nói, cải lương, múa...

Viết nhiều để luyện nghề luyện bút pháp vừa kiếm cơm vì ra khỏi chiến tranh nghèo lắm. Hòa bình tôi mới ra Hà Nội học sáng tác, xong về TPHCM học tiếp. Học xong, ăn lương kháng chiến, lại bậc thấp lè tè mà tôi phải nuôi vợ  và một con, cả cháu, rồi mẹ già. Vất vả lắm.

Phạm Minh Tuấn: 'Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ' ảnh 3 Ngọc Tân,
Phạm Minh Tuấn: 'Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ' ảnh 4 Cẩm Vân, 
Phạm Minh Tuấn: 'Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ' ảnh 5 Cao Minh,
Phạm Minh Tuấn: 'Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ' ảnh 6 Quang Lý,
Phạm Minh Tuấn: 'Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ' ảnh 7 ...Trọng Tấn là những ca sĩ thể hiện ca khúc Phạm Minh Tuấn thành công. Ngọc Tân là ca sĩ đầu tiên hát "Ðất nước" của Phạm Minh Tuấn.

Nỗi đau

Trong bài hát “Tiếng gọi từ lòng đất” có câu “Ðây những mồ hoang lạnh buốt/ Ðây những hài nhi đòi khóc”. Ðó là ca từ cất lên từ nỗi đau thầm kín của ông về đứa con đầu đã mất, một sự hy sinh lớn?

Vào năm 1964 con gái tôi được 6 tháng tuổi, tôi lúc ấy cùng Đoàn Văn công Giải Phóng biểu diễn ở Bến Tre. Bạn biết là chiến tranh, nuôi con nhỏ trong rừng thì thiếu thốn đủ thứ. Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, rồi lấy sữa đâu cho nó ăn. Phụ nữ sống trong rừng thường mất sữa do ăn uống có gì đâu, rồi sốt rét, rồi bom đạn. Cháu được uống nước cơm pha với đường, thỉnh thoảng lắm mới có sữa. Mà chạy càn liên tục, di chuyển liên tục. Nuôi rất khó.

Hóa ra quê cha ông ở Nam Ðịnh, quê mẹ Hưng Yên. Ông cảm thấy chất của mình nghiêng về miền nào nhiều?

Tôi sinh ở Campuchia, hoàn toàn sống ở miền Nam nên tính cách thoải mái gần Nam hơn. Nhưng chất Bắc ngấm vào máu. Cái sâu lắng cái khúc chiết cái cẩn thận thì chất Bắc ở tôi nhiều, kể cả vốn văn hóa văn học tích lũy được. Những làn điệu dân ca miền Bắc cùng những áng thơ văn, ngôn ngữ, tư duy thấm đẫm khiến tôi có phần gần với chất sĩ phu Bắc Hà hơn. 

Hôm đó tôi đi công tác, có bàn với vợ là tìm cách đưa con về quê nhờ bên ngoại nuôi giùm. Chúng tôi chuẩn bị ra vùng giáp ranh, ở đó người của nhà ngoại đã sẵn sàng đón cháu về.

Trên đường hành quân không ngờ vợ tôi  lọt ổ phục kích! Trong đoàn có 18 cán bộ đi cùng ba phụ nữ. Đêm trước trực thăng địch đáp xuống xong bay đi, mình tưởng nó rút hẳn hóa ra nó đổ quân xuống ém lại đó để phục kích nhưng mình không nắm được thông tin.

Bị phục kích, khi súng nổ thì bé khóc. Vợ tôi phải ém nó bằng cách nằm rạp xuống và ấn vú cho con bú, để che mắt địch. Êm tiếng súng nhìn lại con thì nó bị ngộp thở. Cháu mất.

18 cán bộ thoát còn ba phụ nữ bị bắt, trong đó có vợ nhà thơ Giang Nam từ Nha Trang vào chiến khu Tây Ninh thăm chồng, chưa thăm được thì bị bắt. Ngoài ra còn một cô xướng ngôn viên tiếng Hoa của Đài Phát thanh Giải Phóng.

Con tôi được để lại bờ mương. Đến tối du kích đưa bé đi chôn. Lính lôi ba phụ nữ lên trực thăng về Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn tra khảo mấy tháng trời.

Ba cô thống nhất khai: Ở dưới quê đi tìm chồng, chồng bỏ nhà đi đâu không biết. Trước sau một mực như vậy, cảnh sát không tra khảo được gì, không manh mối nên đành thả. Vợ ông Giang Nam về lại Nha Trang.

Có điều hay là: Vừa được thả, cô người Hoa nói tiếng Hoa về nhà ở quận 11, vừa về buổi sáng thì chiều đã có người liên lạc. Chứng tỏ cơ sở theo dõi biết hết. Họ đưa luôn về Củ Chi để cổ viết báo cáo, tường trình vụ bị bắt. Sau 1,2 tháng như vậy thì được tiếp tục công tác.

Ông già tôi thời kháng Pháp đi Vệ quốc đoàn chiến đấu hy sinh ở Châu Đốc, An Giang năm 1946. Đến giờ gia đình tôi vẫn chưa tìm ra nơi chôn cha và con gái tôi.

Xin chia sẻ với ông nỗi đau lớn và hẳn khó nguôi ngoai. Nhiều người cũng được nghe đồn câu chuyện đau lòng trong chiến tranh về một cháu bé sơ sinh phải hy sinh tính mạng để cả đoàn cán bộ được sống, không ngờ chính là chuyện đời nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nổi tiếng. Về bối cảnh, lâu nay vẫn nghe truyền miệng là cháu bị ngạt khi đang ở dưới hầm. Hóa ra không phải hầm?

Không phải hầm. Lúc đó vợ tôi và đồng đội phải trốn trong cái hốc trên đường mòn, chung quanh nhiều kênh rạch. Vợ tôi là diễn viên kịch Đoàn Văn công Giải Phóng. Câu Những hài nhi đòi khóc tôi viết trong Tiếng gọi từ lòng đất đúng là liên quan đến số phận đứa con đầu sinh năm 1964. Đòi khóc vì không được khóc.

Trong chiến tranh ông có chiến đấu đúng nghĩa không?

Tôi không trực tiếp ra mặt trận nhưng luôn đi ngay phía sau để phục vụ bộ đội. Đi qua những vùng đất trắng, rải chất dộc da cam nên cũng mang họa, giờ mỗi tháng được hơn 1 triệu tiền chế độ nạn nhân da cam. Phải ráng sống thôi.

Hễ chiến dịch mở là chúng tôi lên đường. Hoặc bộ đội về là mình tới phục vụ. Nguy hiểm không ít đâu vì bom đạn có chừa ai đâu. Tôi hát, chơi đàn, sáng tác, cất giữ tư liệu thực tế để viết. Lòng say mê sáng tác thôi thúc tôi viết từ sớm: Qua sông, Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn, Dấu chân phía trước...

Vừa qua, ông trượt Giải thưởng Hồ Chí Minh?Ông có biết tỉ lệ ủng hộ dành cho mình cao thấp thế nào?

Những người thuộc diện xét giải lần này đều nhận được văn bản trả lời của tổ chức hoặc hội đồng chấm giải, riêng tôi không hề. Nói không buồn thì không đúng. Thôi coi như học tài thi phận. Trong tôi vẫn có niềm vui là tác phẩm của mình được nhân dân yêu mến, ghi nhận.

Cuộc sống sau hòa bình đúng là gian nan và nhiều vấn đề. Riêng tôi, cả niềm vui nỗi buồn, lúc thành đạt hay lúc lắng xuống thì Bác Hồ luôn là niềm tin là cứu cánh để vượt qua khó khăn. Một niềm tin tuyệt đối, dù tôi chưa bao giờ gặp Bác. Năm 1974 tôi lần đầu ra Bắc, khi ấy Bác mất đã 5 năm.

Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã chia sẻ những câu chuyện đặc biệt trong tháng Tư này.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trải qua các chức vụ: Phó giám đốc Nhạc viện TPHCM, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TPHCM, Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Một “Khát vọng” ra khát vọng

Sự lan tỏa các ca khúc Phạm Minh Tuấn là điều không cần chứng minh. Lần gần đây nhất tại một hội thảo có sự tham gia của cựu binh, một vị đứng lên phát biểu: “Cứ nghe câu hát Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ là tôi lại khóc”.

Nhiều người tâm sự như vậy, trước đó. Trên Youtube, phía dưới ca khúc Đất nước, có người viết: “Là một cựu binh tôi rất yêu bài hát, mỗi khi nghe nó, con người tôi như “mấy mùa không ngủ” thẫn thờ nhớ thương đồng đội hy sinh. Xin cảm ơn những người mẹ Việt Nam”.

Một khán giả tên Phương Phạm viết: “Tôi 18 tuổi và Khát vọng là bài hát hay nhất tôi từng nghe. Tôi thắc mắc là những ca khúc hay và ý nghĩa thế này sao lượt xem lại không so được với một số bài hát thị trường tầm thường. Chả lẽ giới trẻ không có chút khát vọng nào ngoài mấy bài hát nghe xong chả hiểu vừa nghe gì?”

Khát vọng của Phạm Minh Tuấn được phỏng theo bài thơ Nhờ Đảng, tôi biết được của Đặng Viết Lợi (tên khác: Đặng Việt Lợi) in báo Tuổi Trẻ ngày 2/2/1985. Về thủ pháp nghệ thuật của Khát vọng, Phạm Minh Tuấn chia sẻ với phóng viên Tiền Phong:

“Nhiều ca khúc khác của tôi được đánh giá là rất đẳng cấp về kỹ thuật còn Khát vọng viết rất khúc chiết, khúc thức đàng hoàng, câu cú chặt chẽ, có vào có ra, có kết có Coda (Cô-đa)... Tôi muốn sự tròn trịa, một khát vọng ổn định nhất, kinh điển nhất. Bài ca không quên, Đất nước... có thủ pháp và khúc thức mở rộng còn đỉnh cao của Khát vọng chính là sự chặt chẽ về khúc thức, đỉnh cao của thủ pháp cổ điển, kinh điển. Có mở đầu có Cô-đa, tức là kết bổ sung. (Kết xong, muốn củng cố cái kết đó phải có Cô-đa). Ca từ rất Việt Nam rất dân tộc nhưng không nệ cổ”.

Vâng, không nệ cổ và hoàn hảo từ ca từ trở đi đây, khát vọng ra khát vọng đây:

Hãy sống như đời sông, để biết yêu nguồn cội
Hãy sống như đời núi, vươn tới những tầm cao
Hãy sống như biển trào, để thấy bờ bến rộng
Hãy sống và ước vọng, để thấy đời mênh mông.

Và sao không là gió, là mây để thấy trời bao la
Và sao không là phù sa dâng mỡ màu cho hoa
Sao không là bài ca của tình yêu đôi lứa
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư.

Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông
Và sao không là hạt giống xanh đất mẹ bao dung
Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư...

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.