Tuy nhiên, đến thời điểm này, để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và hội nhập quốc tế, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự- kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ cho rằng, cần sửa đổi toàn diện BLDS năm 2005.
“Chúng ta vẫn hay nhấn mạnh đưa luật vào cuộc sống, tại sao không đặt ngược lại là đưa cuộc sống vào luật. Cuộc sống đặt ra vấn đề gì thì BLDS cần giải quyết những vấn đề đó. Và phải tính đến tuổi thọ của bộ luật”- PGS Nguyễn Như Phát (Viện Nhà nước và Pháp luật) đề xuất.
Theo PGS Phát, số phận BLDS 2005 có tuổi thọ ngắn, chỉ tồn tại gần 10 năm đã phải sửa. Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ nêu ví dụ, BLDS của Pháp có tuổi thọ hơn 200 năm.
“Nếu ở ta cứ 10 năm sửa luật một lần, thì ngay cả cán bộ còn chưa kịp thẩm thấu hết các quy định trong BLDS, huống gì người dân” - ông Thụ nói.
Đồng tình với các quan điểm cần sửa Bộ luật, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị, cần xem xét tính tương thích giữa Luật Đất đai và BLDS, nhất là về chủ thể sở hữu hộ gia đình. BLDS (sửa đổi) dự kiến bỏ quy định hộ gia đình là chủ thể trong các quan hệ dân sự, trong khi Luật Đất đai vẫn giữ quy định này.
Tương tự, ông Kiều Đình Thụ cho rằng, một số vấn đề như thương mại, sở hữu trí tuệ, lao động, hôn nhân – gia đình không giữ lại trong BLDS thì cần xem xét có nảy sinh khoảng trống pháp lý nào không nếu những luật chuyên ngành chưa điều chỉnh. Ông Thụ đề nghị sửa BLDS cần có sự tương thích với các luật khác và có tính thống nhất...