Tuy nhiên theo ông Dũng, chưa thấy phương án nào nổi lên, tối ưu. Vì thế, Chính phủ phải thảo luận, thống nhất phương án dựa trên căn cứ pháp luật.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, kỷ luật nhưng phải đảm bảo đúng pháp lý vì việc “cách chức” bộ trưởng một người đã nắm giữ trong cả một nhiệm kỳ liên quan đến rất nhiều việc. Ông Dũng dẫn chứng, nếu cách chức Bộ trưởng Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 với ông Vũ Huy Hoàng thì tính pháp lý của tất cả những văn bản người ấy đã ký, ban hành suốt thời gian đó thế nào? Còn tư cách bộ trưởng không?
“Đó là việc cần tính, cần phải lựa chọn biện pháp nào cho phù hợp để đồng bộ giữa quyết định xử lý kỷ luật bên Đảng với bên chính quyền và cũng phải đúng với quy định, pháp lý nữa. Quy định gì chưa có thì mình phải bổ sung vì không phải chỉ để xử lý trường hợp này mà còn các trường hợp khác về sau nữa chứ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng, theo Hiến pháp, các quy định pháp luật hiện nay chưa có quy định việc kỷ luật một vị đã từng là Bộ trưởng đã thôi chức vụ. Việc kỷ luật để cách chức khi không còn chức nữa chưa có trong quy định.
Chia sẻ về phương án xử lý, theo ông Vũ Mão, nên giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu việc điều tra, xem xét mức độ vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng. Trên cơ sở điều tra của các cơ quan chức năng như Công an, Thanh tra, VKS, Kiểm toán… để có kết luận, từ đó mới có hướng xử lý đầy đủ, toàn diện. Nếu sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng chỉ ở mức độ trách nhiệm thì xử lý theo mức độ trách nhiệm, còn nếu là những vi phạm pháp luật, phải xử lý theo pháp luật hình sự.
“Khai trừ Đảng vẫn là biện pháp cần nếu xác định vi phạm ở mức độ như vậy và khi đã khai trừ Đảng thì tất cả những chức vụ, chức danh đã có đều không còn ý nghĩa”, ông Mão nhấn mạnh.