Quan điểm của bạn đọc về vấn đề này, xin gửi về tòa soạn theo địa chỉ email: online@baotienphong.com.vn
Chia tay chồng khi mới 25 tuổi, ôm con gái chưa đầy năm trong tay, tôi ra khỏi nhà chồng với chiếc va ly nhẹ tênh chỉ có mấy bộ đồ của hai mẹ con và mấy con thú nhồi bông – đồ chơi của con gái.
Không muốn về nương nhờ nhà ông bà ngoại vì sợ khoét sâu thêm nỗi buồn của cha mẹ về sự không toàn vẹn trong hôn nhân của mình, tôi thuê một phòng trọ nhỏ ở gần cơ quan để tiện đường đi làm và gửi con tại một lớp mầm non tư thục.
Lương của một nhân viên ngân hàng, cộng với chút vốn dành dụm được từ cha mẹ và các anh chị cho khi đi lấy chồng, cuộc sống của mẹ tôi cũng tạm ổn về kinh tế. Về tinh thần thì như nhiều người nhận xét là tôi “trẻ ra đến 5 -7 tuổi, béo lên và phơi phới tình yêu đời”.
Có lẽ mọi người vì thương hoàn cảnh của mẹ con tôi và muốn động viên nên khen quá, nhưng sự thực việc ly hôn chồng đã giúp tôi được “giải thoát” khỏi sự bạo hành về tinh thần là những cơn ghen tuông, tra khảo vô cớ của chồng mỗi ngày, dù chỉ là một tin nhắn, một cuộc gọi công việc của đồng nghiệp hay bạn bè.
Ngoài chồng, thì việc phải chịu đựng sự xét nét, soi mói của mẹ chồng đến tận từng ngóc ngách trong phòng ngủ của vợ chồng tôi, từ bộ quần áo mới đến cả màu son môi cũng khiến tôi như “tù nhân” trong căn nhà chồng.
Vậy nên ly hôn chưa đầy một năm, tôi béo lên gần 4 kg, cười nhiều hơn và thấy cuộc đời không còn u ám như trước.
4 năm sau ngày “gà mái nuôi con”, tôi có bạn trai. Anh là kỹ sư tin học của một công ty điện tử, nhà ngay sát cạnh lớp học của con tôi nên chúng tôi có nhiều dịp để “chạm mặt” nhau. Và chẳng hiểu vì duyên số, hay vì “sự hồn nhiên, hạnh phúc” của hai mẹ con như lời anh nói mà chúng tôi yêu nhau.
Ban đầu tình yêu của chúng tôi gặp phải khá nhiều phản ứng của hai bên gia đình. Gia đình anh thì kiên quyết phản đối vì không thể chấp nhận việc “mua trâu tậu cả nghé”, bên nhà tôi thì các cụ lo tôi đã “một lần đò”, giờ anh là “trai tân”, khó có thể đồng cảm và đảm đương được vai trò làm cha của một đứa trẻ không phải con mình.
Bằng tình yêu và những hành động thiết thực, các cụ hai bên cũng dần dần nguôi ngoai, yên lòng và chấp thuận cho chúng tôi làm đám cưới.
Cứ nghĩ rằng hạnh phúc đã mỉm cười với tôi sau những đổ vỡ của cuộc hôn nhân trước, nhưng khi đã về chung sống cùng nhau, tôi mới nghiệm ra những cay đắng của việc gái nạ dòng lấy được trai tân.
Anh không hề động chân mó tay đến bất cứ việc lớn nhỏ nào trong nhà, đi làm thì thôi, về đến nhà là anh vùi đầu vào cái máy vi tính, phó mặc tất tật cho tôi.
Nhiều khi tôi ốm, mệt, nhờ anh việc nọ việc kia, anh nói gọn lỏn “em đã từng có gia đình rồi, làm những việc ấy quen hơn anh nhiều”.
Trước đây anh luôn sốt sắng, vui vẻ trong việc chở tôi và con bé đi chơi, giờ anh khó chịu ra mặt mỗi khi đi đâu mà tôi mang cả con theo. Có lần anh gợi ý tôi gửi con về nhờ ông bà ngoại nuôi giúp vì “anh là trai tân, chưa quen cuộc sống gia đình có trẻ con trong nhà, có mặt con, vợ chồng khó hòa hợp”.
Đến hôm vừa rồi, cái bóng đèn trong phòng tắm bị cháy, cả tuần tôi nói để anh mua đèn mới thay vào vì không có bóng đèn, đi lại rất dễ ngã nhưng anh vẫn mặc kệ. Tối hôm ấy con gái bị sốt cao, cháu chóng mặt nên không thể tự đi vào nhà vệ sinh được, tôi bế con dò dẫm từng bước một trong bóng tối.
Đang dò dẫm tôi vấp phải cái chậu quần áo bẩn anh tắm xong khi chiều không đem để ra chỗ máy giặt, nên trượt chân ngã phịch xuống nền nhà tắm ướt lép nhép nước.
Tôi thì đau ê ẩm cả lưng, cả người, tội nhất là con bé đang sốt lại bị ngã va luôn đầu vào bệ toa lét, máu chảy đầm đìa phải vào bệnh viện khâu mất 6 mũi.
Mếu máo gọi điện thoại cho chồng, tôi nhận từ anh lời càu nhàu “đến bệnh viện là ổn rồi, còn gọi làm gì nữa”, sau đó là tiếng ngắt máy.
Tôi cầm chiếc điện thoại trong tay mà cổ họng nghẹn ứ. Tôi đã cố gắng nhịn để giữ hòa khí trong gia đình, giữ cho mình và con một cuộc sống có “điểm tựa”. Không lẽ gái nạ dòng lấy trai tân là có lỗi và vì cái lỗi ấy mà phải “nhịn nhục”?