Đó là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo Đột phá kinh tế từ du lịch” do báo Thanh Niên tổ chức ngày 28/10 tại TPHCM.
Hơn một thập kỷ qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, vài năm gần đây, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng vọt, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, phát triển kinh tế từ du lịch còn rất nhiều điểm nghẽn. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nhiều câu chuyện liên quan đến phát triển du lịch có sự mâu thuẫn, xâm hại đến thiên nhiên làm dư luận phản ứng khiến cho nhà đầu tư chùn tay. Điều này là một trong những điểm nghẽn khiến cho ngành du lịch chưa phát triển đúng tiềm năng. “Trong thời buổi kinh tế thị trường, muốn phát triển thì phải đánh đổi. Thậm chí đánh đổi không đủ cũng không phát triển được” - ông Thiên cho biết.
Thừa nhận phát triển thì phải đánh đổi và muốn phát triển mạnh thì phải đánh đổi mạnh. Tuy nhiên TS Trần Đình Thiên cũng đặt vấn đề, đánh đổi bao nhiêu là hợp lý là bài toán khó. Muốn trả lời câu hỏi này phải xác định, ưu tiên về lợi ích tổng thể và dài hạn. Đánh đổi thế nào là hợp lý thì cần luật, cần tiêu chuẩn chứ hiện nay chưa rõ ràng, không định hình và không giúp cho người ta định hướng được khiến nhiều doanh nghiệp không dám làm và ngay cả chính quyền cũng không dám làm.
Ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch khẳng định, du lịch Việt Nam có tiềm năng và đủ điều kiện để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Du lịch thế giới, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam xếp thứ 34/140 thế giới, tài nguyên văn hóa đứng thứ 29, đây đều là những thứ hạng rất cao. Bên cạnh đó, về nguồn nhân lực, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng những khách sạn, resort đẳng cấp, các doanh nghiệp lữ hành điều hành tour đều lớn mạnh tầm cỡ thế giới, doanh nghiệp điều hành khách sạn, resort làm rất tốt. “Mọi phân khúc trong lĩnh vực du lịch người Việt đều làm chủ được. Cùng với tiềm năng cực lớn về tài nguyên, không có lý gì du lịch không trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” - ông Nam khẳng định.
Tuy nhiên, ông Nam chỉ ra rằng chúng ta có thiên nhiên đẹp, tài nguyên văn hóa dồi dào, con người giỏi, nhưng đi đến giờ vẫn mới chỉ bằng một nửa Thái Lan về cả du lịch quốc tế lẫn nội địa. Sự phát triển bắt đầu có nhiều điều vướng. Trong số các nút thắt lớn nhất trên con đường phát triển du lịch, quan điểm phát triển bền vững đang là vấn đề "nóng" và sẽ trở thành nút thắt rất lớn nếu không nhanh chóng được giải quyết. Thực tế, tất cả các bộ, ban ngành đều đồng thuận với chủ trương phải phát triển bền vững nhưng chưa có tiêu chí, không có cơ sở để đánh giá thế nào là phát triển bền vững. Vì thế, mọi cuộc tranh cãi đang nổ ra trong xã hội liên quan đến các dự án du lịch đều nằm giữa 2 thái cực bảo tồn tuyệt đối hay phát triển không quan tâm đến môi trường, gây ra các làn sóng phản đối tiêu cực.
Nút thắt xung đột giữa phát triển và bảo tồn đang cản trở du lịch Việt Nam phát triển. Vì vậy Nhà nước cần sớm ban hành bộ tiêu chí về phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch nhằm minh bạch những dự án có động chạm đến tài nguyên thiên nhiên, đến văn hoá tâm linh, cộng thêm cơ chế phản biện rộng rãi thì có thể giúp tăng được sự đồng thuận, giảm sự xung đột – ông Nam đề xuất.