Phải hết sức lo cho doanh nghiệp

Phải hết sức lo cho doanh nghiệp
TP - Ngày 29/9, chủ trì và phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2013 thì phải kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hết sức lo cho doanh nghiệp (DN) từng việc cụ thể.

> Thảm họa ngay sau lưng!
> Diễn tập cứu hộ thảm họa động đất quy mô lớn

Hụt thu ngân sách, đề xuất nâng bội chi

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế đến hết tháng 9/2013, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 543.835 tỷ đồng, bằng 66,6% dự toán. Đáng lưu ý hầu hết các sắc thuế chủ yếu đều đạt thấp so với dự toán.

 “Từng bộ trưởng phải tạo mọi điều kiện giải quyết khó khăn cho DN một cách thiết thực, cụ thể” 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Góp ý về tình trạng hụt thu, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, có tình trạng cán bộ thuế liên kết với DN để trốn thuế, giảm mức thu rồi “cưa đôi”. Ông Thăng cho rằng, phải quyết liệt hơn nữa trong cắt giảm chi thường xuyên, nhất là những đoàn đi nước ngoài. Kiên quyết thực hiện giá thị trường để tăng thu bởi hiện nay giá khí vẫn bao cấp cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ. “Nếu bán khí theo giá thị trường thì nhà nước có thêm chục nghìn tỷ đồng”- Ông Thăng nói.

Tại phiên họp, ý kiến các thành viên Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách khó khăn thì việc nâng bội chi ngân sách để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển là cần thiết. Nhiều ý kiến đồng tình đề nghị nâng tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2014 lên 5,3% GDP. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng nguồn vốn từ tăng bội chi chỉ dành cho đầu tư phát triển chứ “không đi vay để ăn rồi sau này con cháu trả nợ”. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh góp ý, không nên nâng bội chi quá cao.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, cần tiếp tục bám sát, kiên định mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đi liền với đó tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 5,4%.

Thủ tướng khẳng định, để phát triển kinh tế thì phải hết sức lo cho DN từng việc. “Từng bộ trưởng phải tạo mọi điều kiện giải quyết khó khăn cho DN một cách thiết thực, cụ thể”- Thủ tướng nói. Về nợ xấu, Thủ tướng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tập trung xử lý, không để nợ xấu tăng thêm.

Về giá xăng dầu, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương sớm sửa Nghị định 84, hiện nay nếu giá thế giới xuống thì điều chỉnh giảm giá trong nước. Thời điểm này chưa tăng giá điện, xem xét bù lỗ trực tiếp cho hộ nghèo còn những đối tượng khác phải đảm bảo bán điện đúng giá thành.

Đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế

Tại phiên họp này, Chính phủ cũng thảo luận về tình hình triển khai Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế. Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, tái cơ cấu đầu tư công đã đi vào cuộc sống và mang lại kết quả rõ nét. Phần lớn các tập đoàn, tổng công ty đã xác định các khoản mục đầu tư cần phải thoái vốn và thông qua kế hoạch thoái các khoản vốn đầu tư ngoài ngành.

Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được một số ít các khoản vốn hoặc tài sản có giá thị trường cao hơn hạch toán hay giá đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, việc thoái các khoản vốn còn lại đang gặp không ít khó khăn vì không bảo toàn được vốn theo quy định. Hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) từng bước đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, kết quả tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém vẫn chưa vững chắc, việc xử lý nợ xấu mới ở giai đoạn ban đầu...

Đánh giá về kết quả tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chủ trương tái cơ cấu đã được thống nhất, đồng thuận, quá trình tái cơ cấu đã giúp đảm bảo ổn định được kinh tế vĩ mô, chỉ số chất lượng đầu tư được cải thiện. Thủ tướng chỉ đạo, việc rút vốn, thoái vốn ngoài ngành của các DNNN phải có kế hoạch theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo có trật tự, hiệu quả. Tiếp tục thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, như đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông cần xem xét lựa chọn tách Vinaphone hoặc Mobifone khỏi tập đoàn để cổ phần hóa, tạo cạnh tranh cho thị trường.

Đề xuất xe ngoại giao chuyển nhượng chịu phí trước bạ 10- 15%

Tại phiên họp, Bộ Tài chính đã có báo cáo về phí trước bạ đối với xe ô tô biển nước ngoài và biển ngoại giao. Bộ Tài chính cho rằng, do xe ngoại giao không phải nộp phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng nên để đảm bảo công bằng, đề nghị Chính phủ quy định xe ngoại giao khi chuyển nhượng lại phải chịu phí trước bạ với mức như thu lần đầu là 10- 15% tùy địa phương. Đối với xe ngoại giao hết thời hạn đăng ký lưu hành thì phải thu hồi biển số và yêu cầu chủ tài sản hoàn thành các nghĩa vụ thuế theo quy định thì mới làm thủ tục đăng ký và cấp biển số mới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG