Phải đóng giả người lái buôn mới bắt được thực phẩm bẩn

Các vùng trồng rau sạch ở Đà Nẵng hiện nay mới chỉ cung ứng được khoảng 10.000 tấn rau mỗi ngày, trong khi nhu cầu tiêu dùng từ 60.000 đến 70.000 tấn. Ảnh: Nguyễn Đông.
Các vùng trồng rau sạch ở Đà Nẵng hiện nay mới chỉ cung ứng được khoảng 10.000 tấn rau mỗi ngày, trong khi nhu cầu tiêu dùng từ 60.000 đến 70.000 tấn. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Không nên mang sắc phục đi kiểm tra theo đoàn, phải đeo râu đội mũ, lâu lâu đóng giả người tiêu dùng, lái buôn", Phó chủ tịch TP Đà Nẵng nhắc cấp dưới sáng tạo khi thị sát việc sản xuất, chế biến thực phẩm.

Tại buổi họp bàn công tác đảm bảo an toàn vệ sinh trên địa bàn Đà Nẵng ngày 8/4, Phó chủ tịch thành phố Đặng Việt Dụng đã cắt ngang báo cáo của đại diện Sở Y tế khi thấy "làm việc thì không thực tế nên cái gì cũng đọc tràn lan đại hải, văn bản giấy tờ quá nhiều".

Thẳng thắn nhìn nhận hàng ngày người dân vẫn phải ăn thực phẩm ô nhiễm, ông Dũng hỏi ngành y tế "có quản lý được thức ăn đường phố hay không?". Câu trả lời là chỉ quản lý được những cơ sở cố định còn hàng rong di chuyển nay đây mai đó thì rất khó khăn.

Phó chủ tịch thành phố tiếp tục truy: "Sao lại không quản lý được? Lúc bán lúc không thế ông chủ tịch phường không biết hay sao? Quản lý có nhúm dân mà không được thì quản lý cái gì?".

Trước thông tin địa bàn vừa phát hiện 10/13 mẫu măng tươi và 7/7 mẫu dưa cải muối chứa chất vàng O gây bệnh ung thư nhưng không có quy định nào để xử phạt, ông Nguyễn Thanh Chương, Phó chủ tịch quận Liên Chiểu cho rằng phát hiện, bắt quả tang mà không xử lý được thì "không nên bàn làm gì".

"Các bà nội trợ hiện nay đi chợ không biết mua gì vì cái gì cũng độc. Tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý chợ và siêu thị có thực phẩm bẩn", ông Chương nói.

Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đề nghị các ngành liên quan phải bắt tay ngay vào việc giải quyết tồn tại để người dân yên tâm với bữa cơm gia đình. Theo đó, phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở văn bản của Trung ương, nếu vượt thẩm quyền thì để xuất thành phố xin quy chế để xử lý cơ sở chế biến, cửa hàng bán thực phẩm bẩn.

Theo ông Dũng, hệ thống quản lý hiện nay quá chồng chèo khi "kỳ lạ một tô bún 3 sở quản lý", và "quá nhiều người quản lý nên không ai quản lý cả". Do đó, cần có một tổ chức, bộ máy riêng thì mới mong tạo ra "quả đấm thép" quản lý thực phẩm. Thành phố cũng cần khẩn trương xây dựng đề án hỗ trợ nông dân trồng thêm các vùng rau sạch, khi 3 vùng hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 1/6 số lượng tiêu thụ, để hạn chế thực phẩm chuyển từ nơi khác đến.

"Làm sao bà con ngoài chợ biết được rau nào là sạch. Các anh đừng có tuyên truyền người dân phải biết tiêu dùng thông thái. Tiêu dùng thông thái mà người dân chả biết cái nào là sạch cả thì biết đường nào mà thông thái. Làm thế nào để dân biết rau sạch thì phải cam kết với dân rau này là sạch, nếu không sạch tôi chịu trách nhiệm, bàn với nông dân làm đi", ông Dũng chỉ đạo.

Phó chủ tịch thành phố cũng cho rằng, thời gian vừa qua lực lượng chức năng quản lý tốt hải sản, du khách đến nhiều vì hải sản tươi sống. Tuy nhiên, ông đề nghị những ngành liên quan không được chủ quan, không nên mang sắc phục đi kiểm tra theo từng đoàn. "Phải đeo râu đội mũ chứ quen mặt rồi đi xuống người ta biết liền. Lâu lâu cần đóng giả người tiêu dùng, lái buôn", ông nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG