Phải cảnh báo nội dung nếu không phù hợp với trẻ

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PT, TH &TTĐT, mong muốn thông tư sẽ góp phần nâng cao chất lượng thông tin cho trẻ em trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PT, TH &TTĐT, mong muốn thông tư sẽ góp phần nâng cao chất lượng thông tin cho trẻ em trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
TPO - Sáng 26/10, tại Đà Nẵng, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (Cục PT, TH &TTĐT) tổ chức hội thảo phổ biến văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình.

Một trong những nội dung đáng chú ý của hội thảo là giới thiệu thông tư 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên các loại hình báo chí và xuất bản phẩm.

Thông tư do Bộ Thông tin và truyền thông ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/10 này quy định các nội dung không phù hợp với trẻ em khi đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng phải thực hiện việc cảnh báo nội dung. Các phương thức cảnh báo nội dung có thể thể hiện theo nhiều hình thức để phù hợp với các loại hình báo chí và phải xuất hiện trước nội dung truyền tải.

Các nội dung cảnh báo phải thể hiện được tối thiểu các nội dung: nội dung không phù hợp với trẻ em, đề nghị cân nhắc trước khi xem; cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn nếu trẻ em đọc, nghe, xem; có chứa hình ảnh và tình tiết nhạy cảm và nội dung không phù hợp với các độ tuổi.

Ngoài ra, các xuất bản phẩm dành cho trẻ em (trừ SGK) cũng phải ghi rõ đối tượng phục vụ tại bìa 4 và tranh tên sách theo các lứa tuổi: dưới 6 tuổi, từ 6 đến 11 tuổi, từ 11 đến 16 tuổi. Nếu xuất bản phẩm có quy định lứa tuổi khác thì phải ghi rõ độ tuổi cụ thê.

 “Ở các nước, việc dán “nhãn” cảnh báo đã được thực hiện từ rất lâu. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, nước ta đưa những quy định cụ thể này vào luật định. Đây là thông tư cụ thể hóa khoản 2 điều 46 Luật trẻ em, nhằm tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng nội dung thông tin cho trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng.”, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PT, TH &TTĐT, chia sẻ.

Ngoài ra, thông tư cũng quy định rõ tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng phát sóng, đăng tải thông tin dành cho trẻ em. Theo đó, tỷ lệ phát sóng chương trình thông tin dành cho trẻ em, tuyên truyền về trẻ em phải đạt từ 2% đến 5% tổng thời lượng phát sóng của kênh chương trình trong một tuần.

Cụ thể, đối với các kênh có thời lượng 24g/ngày, mỗi tuần phải đảm bảo 3,36 giờ đến 8,4 giờ phát sóng các nội dung thông tin cho trẻ em. Các chương trình này phải được ưu tiên phát sóng vào khung giờ sinh hoạt chung hoặc khung giờ vàng: từ 6g đến 7g30, 12g đến 13g30, 17g30 đến 19g hay 18g đến 21 giờ.

Phải cảnh báo nội dung nếu không phù hợp với trẻ ảnh 1

Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử cùng đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng kí kết hợp tác

Đối với báo in hằng ngày hoặc cách ngày, hằng tuần phải đảm bảo tối thiểu 5% tin bài có nội dung dành cho trẻ em. Đối với báo điện tử, con số này là 5%. Đặc biệt, các nội dung thông tin dành cho trẻ em phải được ưu tiên đăng tải ở những vị trí phù hợp để trẻ em dễ dàng tiếp cận.

Bên cạnh đó, khi thông tin về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan, phải làm mờ hoặc che mặt trẻ, đảm bảo thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ.

Khi sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em làm nhân vật, hình ảnh minh họa trong các xuất bản phẩm, các chương trình phản ánh về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật, phải có sự cho phép của cha mẹ, người giám hộ (với trẻ dưới 7 tuổi) hoặc được sự đồng ý của trẻ (với trẻ trên 7 tuổi).

“Bên cạnh các quy định, thông tư cũng khuyến khích phụ huynh quản lý, kiểm soát thời gian, nội dung thông tin trẻ tiếp cận, đồng thời, khuyến cáo phụ huynh hướng dẫn con khi tiếp cận các chương trình, phim có hình ảnh và tình tiết nhạy cảm”, bà Trịnh Thị Thu Hằng, Trưởng phòng PT&TH (Cục PT, TH &TTĐT), nói thêm. 

Tiến hành đo lường khán giả truyền hình định kỳ

Hội thảo cũng giới thiệu về Thông tư 37/2016/TT-BTTTT quy định về quy trình, thủ tục công bố số liệu đo lường khán giả truyền hình phục vụ đánh giá hiệu quả nội dung truyền hình. Theo đó, hoạt động đo lường khán giả truyền hình được thực hiện định kỳ 2 năm/lần tại 5 thành phố trực thuộc TƯ và 5 năm/lần tại các tỉnh, thành khác. “Đây là hoạt động nhằm đánh giá hiệu quả của 70 kênh truyền hình thiết yếu, từ đó có cơ sở để tham chiếu và điều chỉnh về nội dung chương trình, giá quảng cáo cho phù hợp”, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết.

Cũng tại Hội thảo, Cục PT, TH & TTĐT và Sở TT&TT Đà Nẵng đã tiến hành kí kết phối hợp công tác quản lý về phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.  

MỚI - NÓNG