Phá rừng ngập mặn, “đón” Formosa đền bù

Một gốc bần bị đào lên nằm chỏng chơ bên bờ ao.
Một gốc bần bị đào lên nằm chỏng chơ bên bờ ao.
TP - Chỉ vì hy vọng vào một đợt đền bù sự cố môi trường biển tiếp theo đối với các hộ nuôi trồng thủy sản, hơn chục hộ dân ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã ồ ạt phá khu rừng ngập mặn vốn bao đời che chắn lụt bão cho địa phương này, để nuôi tôm.

Tin đồn có hồ nuôi tôm là có đền bù

Theo phản ánh của người dân địa phương, khu rừng ngập mặn, đa số là cây bần, dọc theo bãi bồi của sông Kiến Giang, có tác dụng che chắn bão lũ cho 2 thôn Quảng Xá và Hòa Bình. Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua, không biết tin đồn từ đâu ra “có hồ nuôi tôm là có đền bù”, hơn chục hộ dân địa phương đã thuê phương tiện, máy móc về đào ao nuôi tôm, tàn phá khu rừng ngập mặn không thương tiếc.

Ông Nguyễn Văn Được có nhà gần bãi bồi cho biết: “Nhà tui gần đê quốc gia của sông Kiến Giang, rừng bần này đã có từ bao đời nay, che chắn cho dân làng vào mùa mưa lũ, các thế hệ của làng thay nhau gìn giữ và trồng mới. Tui đây trồng bần từ lúc còn trẻ cho đến nay 80 tuổi vẫn tiếp tục trồng bần. Cách đây 10 năm, cũng có đợt phá rừng bần để nuôi tôm, tui và dân làng đứng lên phản đối, bị họ đe dọa, thậm chí còn ném mìn vào ao cá của nhà tui để dằn mặt. Sau đó, xã ra tay, rừng bần được giữ lại cho đến nay”.

Bà Nguyễn Thị Dọc bức xúc nói: “Công lao hàng trăm năm mới có rừng bần ngập mặn xanh tốt bảo vệ làng, rứa mà họ bất chấp tất cả. Mất rừng bần là làng trôi khi mưa lũ thôi. Lũ từ sông Long Đại đổ về nhập vào sông Kiến Giang chảy như thác, không có rừng bần ni thì không còn chi để bảo vệ làng xóm”.

Người dân ở đây cho biết, họ đã nhiều lần báo lên xã nhưng lãnh đạo xã làm ngơ. Phản đối mạnh quá, thì lãnh đạo xã nói, họ lỡ làm rồi, cấm không được. Trong lúc đó, nhiều hộ gia đình thuê máy móc về đào ngày, đào đêm. Rừng bần bao đời xanh tốt nay bị bật gốc nằm chỏng chơ, hoặc héo úa, chết khô vì bị đào hết rễ.

Nắm tình hình muộn?

Theo ông Nguyễn Đại Thọ, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, có 12 hộ đào ao hồ trong rừng ngập mặn, với diện tích 34 ha. Những hộ dân này trước đây được huyện cấp đất nuôi trồng thủy sản có thời hạn 20 năm. Có hộ kiến thiết ao hồ thô sơ để nuôi, có hộ không nuôi để đất hoang.

Đến nay đa số các hộ này đã hết hạn sử dụng đất nuôi trồng từ năm 2014 – 2015. Về nguyên tắc, các hộ dân này phải làm lại thủ tục để gia hạn hoặc cấp mới, nhưng họ đã tự ý đào ao hồ trong rừng bần ngập mặn là sai trái. Chính quyền xã đã đình chỉ hoạt động đào ao trái phép, yêu cầu trồng bần thay thế trả lại nguyên trạng.

Ông Dương Quang Huỳnh, một trong 12 hộ đào ao trong rừng ngập mặn trần tình: “Nhà nước quy định thế nào thì phải thực hiện như vậy thôi. Tui được giao từ năm 1995, đến nay hết hạn rồi, vì làm hồ thua lỗ tui đi làm ăn xa, mới trở lại nuôi cá 3 năm nay. Còn nhiều hộ họ nhận đất xong bỏ hoang bao nhiêu năm, chừ nghe nói có đền bù ảnh hưởng Formosa mới ra cơ sự này”.

Trước tin đồn cứ có ao nuôi là có Formosa đền bù, ông Nguyễn Đại Thọ, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) khẳng định, không có chuyện tiếp tục đền bù, vì địa phương đã hoàn thành việc đền bù sự cố môi trường biển cho các hộ dân bị thiệt hại. Nói về trách nhiệm rừng ngập mặn bị phá, ông Thọ nói: “Về trách nhiệm, tôi nhận ra mình đã sai, khi nắm bắt tình hình muộn, xử lí không triệt để làm dư luận bức xúc”.

MỚI - NÓNG