Phá rừng, bán đất trái phép

Phá rừng, bán đất trái phép
TP - Đất rừng tiếp tục bị phá và hợp thức hóa thành “đất nhà” trên đảo du lịch Phú Quốc trong những năm qua. Xã Cửa Cạn là một trong những điểm nóng của vấn nạn này. Theo điều tra của PV Tiền Phong, có nhiều vụ phá rừng dính dáng đến cán bộ.

> Phá rừng trồng cây ăn trái

Đất do ông Nguyễn Quốc Huệ đứng tên, phá 33.000m2 đất rừng nhưng vẫn được nhận tiền bồi thường
Đất do ông Nguyễn Quốc Huệ đứng tên, phá 33.000m2 đất rừng nhưng vẫn được nhận tiền bồi thường.

Trong vai những người đi mua đất, chúng tôi thuê xe du lịch đi vào xã Cửa Cạn. Vừa tới ấp III đầu xã, “thổ địa” ông Đặng Văn Tuân ra hiệu dừng xe chỉ vào một lô đất khoảng 4.000m2 ven đường nhựa nói: “Lô đất trị giá gần hai tỷ đồng này nguồn gốc là đất rừng Vườn quốc gia Phú Quốc (VQGPQ), nay đã bị chặt phá, san lấp, trồng cây để hợp thức hóa. Trực tiếp chỉ đạo chặt phá là một người cháu của chủ tịch UBND xã Cửa Cạn”.

Khi phát hiện sự việc người dân đã dùng máy chụp hình ghi lại hiện trường và xe đang vận chuyển hàng chục m3 gỗ ra khỏi rừng thì bị hăm dọa, đòi đập máy ảnh.

Số gỗ được chở về một trại cưa ở ấp Lê Bát, sau đó bị ông Tuân vặn hỏi nên số gỗ được chuyển lại về trạm kiểm lâm gần đó. Tuy nhiên vụ việc không được xử lí, khu đất rừng vẫn được phá, san lấp, trồng cây.

Tại một địa chỉ khác ở ấp IV, có khoảng 10 ngàn m2 đất rừng thuộc VQGPQ quản lí đã bị san phẳng. Lâm tặc đã dùng xe cơ giới vào san ủi, đào hàng ngàn mét khối đất vận chuyển xuống san lấp hơn một ha đất rừng ngập mặn cách đó khoảng 1km.Sự việc xảy ra cả tháng trời nhưng ngành chức năng không có phản ứng gì.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người trực tiếp phá khu rừng nói trên là ông Trần Thông người nhà của ông Nhan Văn Truyền - Bí thư kiêm chủ tịch xã Cửa Cạn. Hơn một ha đất rừng ngập mặn sau khi san lấp đã được bán cho một người tên Vân ở Hà Nội, giá khoảng 4 tỷ đồng. Ông Trần Thông còn còn phá khoảng 10 ngàn m2 đất rừng ở ấp II nhưng không bị xử lí.

Cũng tại ấp II, một khu đất rừng rộng trên 3.000m2 do ông Trần Văn Hiền đứng tên đã được san ủi, chia chác cho một số cán bộ xã Cửa Cạn. Cạnh đó 18.213m2 đất rừng bị chặt phá, trong đó có những gốc cây đường kính 1,2m. Đất do ông Trần Văn Hòa đứng tên, nhưng thực chất phía sau là một số cán bộ xã. Đất đã được thông qua hội đồng
xét duyệt.

Bà Lê Thị Chậm ngụ ấp IV đưa chúng tôi vào khu đất rừng mới bị chặt phá nói: “Khu đất 48.000m2 này của hộ ông Ngô Hải Lực, hiện đã sang nhượng lại cho người khác 3,9 tỷ đồng”.

Khu vực này còn có một lô đất 36.000m2 do ông Nguyễn Quốc Huệ đứng tên, đất có nguồn gốc chỉ 3.000m2, còn lại là đất rừng. Tuy nhiên ông Huệ đã chặt phá thêm 33.000m2 đất rừng để được đưa vào danh sách bồi thường 8 tỷ đồng, hiện ông này đã nhận bồi thường đợt một số tiền 2 tỷ 183 triệu đồng.

Bà Hùng Thị Khuôl có một lô đất 18.000m2 tại tổ 5, ấp II, do con gái Lê Thị Bé Thúy đứng tên.Đất khai phá năm 1997, thuộc đất vùng đệm vườn quốc gia. Vào đầu tháng 5-2011, kiểm lâm và các ngành chức năng đến lập biên bản, gia đình bà Khuôl phải bỏ đất đi nơi khác. Thế nhưng đầu năm 2012 tại đây lại xuất hiện một ngôi nhà lợp tôn.

Chúng tôi tìm gặp bà Khuôl. Bà cho biết sau khi bà bị đuổi ra khỏi lô đất thì bà Sáu Lõi - người bà con của chủ tịch xã Cửa Cạn đến ép bà bán lại với giá 234 triệu, trong khi giá thị trường trên 1 tỷ đồng.

Xử phá rừng chủ yếu… xử dân

Ngay sau khi phát hiện vụ phá rừng nói trên, UBKT Huyện ủy Phú Quốc vào cuộc, rồi sự việc rơi vào im lặng. Tại tổ 4, ấp IV, ngày 19-7-2004, UBND huyện Phú Quốc đã ra quyết định thu hồi đất của hộ ông Nguyễn Văn Hùng (20.000m2) và bà Nguyễn Thị Thu Thủy (30.464m2) vì “đất thuộc vùng đệm VQG; giao cho UBND xã Cửa Cạn VQG Phú Quốc quản lí”. Tuy nhiên khu vực này hiện đã được cấp sổ đỏ cho năm hộ, tổng diện tích
89.249 m2.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Long Hải - Hạt trưởng hạt kiểm lâm Phú Quốc cho biết: Toàn đảo có 38.296 ha rừng, giao cho ba lực lượng quản lí, trong đó rừng Vườn quốc gia chiếm trên 31 ngàn ha, rừng phòng hộ 874 ha và kiểm lâm huyện quản lí 6.847 ha.

Tình hình lấn chiếm đất rừng khá phức tạp trong những năm gần đây khi Phú Quốc bắt đầu có cơn sốt đất du lịch. Sáng 19-5, trao đổi qua điện thoại, ông Trà Tho – Hạt trưởng hạt kiểm lâm VQGPQ nói: “Tình hình phá rừng giảm, nói chung không có gì. Người dân bây giờ cũng đã có ý thức bảo vệ rừng”.

Trong khi đó, một cán bộ VKS huyện Phú Quốc cho biết từ đầu năm 2011 đến nay cơ quan này đã xử lí 8 vụ phá rừng qui mô lớn với 10 bị can, bị cáo liên quan, và phần lớn trong số đó là người dân, không có ai là cán bộ và người nhà của họ.

Ông Đặng Văn Tuân - một người tố cáo tiêu cực đất đai trên đảo Phú Quốc cho biết công an huyện đã mời ông lên làm việc ba lần. Ông Tuân đã cung cấp hình ảnh và các bằng chứng chứng minh sai phạm về đất liên quan ông Nhan Văn Truyền – Bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Cửa Cạn. Một số đơn tố cáo đã được ông Tuân gửi đi nhưng chưa có cơ quan nào trả lời.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.