Phá mẫu tượng Thánh Dóng: 'Đã có ứng xử không văn hóa'

Phá mẫu tượng Thánh Dóng: 'Đã có ứng xử không văn hóa'
TP - Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh (Bộ VHTT&DL), cho rằng, đã có những ứng xử không văn hóa trong câu chuyện mẫu tượng Thánh Dóng bị phá.

> Phải làm rõ ai phá bản gốc
> Ai đã phá tượng Thánh Dóng?

Ông Vi Kiến Thành
Ông Vi Kiến Thành.

Bài “Bản gốc tượng đài Thánh Dóng bị phá nát” (Tiền Phong số 90 ngày 30-3-2012), phản ánh: Mẫu tượng Thánh Dóng của tác giả Nguyễn Kim Xuân (chất liệu thạch cao, cao 3m) bị phá ngay dưới chân núi Sóc. Đây là mẫu chính thức để làm bản thạch cao 1-1 đúc Tượng đài Thánh Dóng chất liệu đồng, nặng 80 tấn, đặt trên đỉnh núi Đá Chồng (Sóc Sơn-Hà Nội) hiện nay.

Tuy nhiên, dư luận và ngay cả giới chuyên môn cũng đang có những cách hiểu, cách gọi khác nhau về mẫu tượng Thánh Dóng bị phá (Trong đơn gửi UBND TP Hà Nội, tác giả Kim Xuân gọi đó là Mẫu gốc tượng Thánh Dóng).

Cần thống nhất cách gọi

Hiện nay có một số cách gọi khác nhau về mẫu chính thức được chọn dùng để đúc Tượng đài Thánh Dóng: Mẫu tượng gốc, bản gốc, bản trung gian... Vậy cách gọi nào là chuẩn, theo ông?

Hiện nay, khái niệm này chưa có sự thống nhất có tính chất chính danh tuyệt đối, ngay cả trong giới điêu khắc, các nhà quản lý cũng chưa thống nhất cao về cách gọi. Nhưng theo tôi, cần thống nhất để dễ hiểu: Nên gọi là bản chính thức và bản phác thảo. Còn gọi là (bản) gốc thì cái gì do tác giả làm ra cũng đều gọi là gốc được.

Bản chính thức là bản tác giả công bố, phổ biến với xã hội, xã hội sử dụng nó, gắn với tên tuổi tác giả. Những bản khác cũng do tác giả làm ra trước đó, trong quy trình làm tượng đài, thì nên gọi là bản phác thảo hay mẫu phác thảo, để dễ phân định. Còn nếu gọi mẫu phác thảo là bản gốc (như trường hợp mẫu tượng của tác giả Kim Xuân) thì nó dễ sa vào tranh luận thuật ngữ, rất mất thời gian.

Nhưng mẫu tượng của ông Kim Xuân đã là một tác phẩm hoàn chỉnh (kể từ khi được Hội Mỹ thuật Hà Nội gửi đi dự thi và được chọn). Không lẽ đó không phải bản/tác phẩm gốc?

Trong trường hợp này, người ta đã xác định từ đầu tổ chức thi mẫu phác thảo để làm tượng đài Thánh Dóng trên núi Sóc. Cho nên, tất cả những bước làm tượng bằng thạch cao hay đất (trước khi đúc tượng đồng) đều là bản phác thảo. Bản chính thức là bản bằng đồng trên đỉnh núi Sóc.

Vậy theo ông, trong quá trình làm tượng đài có bản nào gọi là bản trung gian không như có người đã hiểu?

Từ các bản phác thảo mới làm ra bản gốc. Tùy mức độ quy mô, có thể có nhiều phác thảo với các tỷ lệ khác nhau. Trong quy chế 05 của Bộ VHTTDL quy định rõ hai giai đoạn: Làm mẫu phác thảo và làm bản cuối cùng – tức là bản chính thức. Theo quy định này, cũng không có khái niệm nào gọi là bản trung gian.

Ứng xử không văn hóa

Không như quá trình làm tượng đài thông thường, Mẫu tượng Thánh Dóng của ông Kim Xuân còn được sử dụng để thực hiện các nghi lễ trong suốt quá trình đúc tượng có sự chứng kiến của lãnh đạo Nhà nước, thành phố Hà Nội. Chính vì thế, BQL muốn lưu giữ bức tượng này tại Bảo tàng Phật giáo (Sóc Sơn) sau khi đúc thêm 3 tượng đài khác (nhỏ hơn đặt tại 3 miền đất nước). Nhưng chưa kịp thực hiện thì mẫu tượng bị phá?

Trước hết, đây là quan hệ dân sự giữa chủ đầu tư công trình, tác giả và các bên liên quan. Họ có thể thỏa thuận sau khi làm xong tượng đài, chủ đầu tư giữ lại, lưu giữ ở nơi nào đó, thậm chí để tác giả mang về lưu giữ ở nhà.

Hai bên hoàn toàn có thể thỏa thuận được với nhau về điều này. Bởi mục đích cuối cùng là tượng đài bằng đồng đặt trên đỉnh núi. Còn việc thực hiện các nghi lễ tâm linh, thắp hương là kỳ vọng tượng đài được đúc thành công, cầu mong xây dựng công trình tốt đẹp.

BQL dự án Tượng đài Thánh Dóng đã có thỏa thuận về ngày giờ chuyển mẫu tượng đến nơi khác. Tuy nhiên, chưa đến hạn bàn giao mặt bằng theo thỏa thuận, đơn vị thi công dự án tại đây đã vào khu đất, phá hỏng tượng. Trong trường hợp này, hai bên cần có ứng xử thế nào cho đúng?

Nếu đúng như vậy, tức là đã có trao đổi thỏa thuận giữ lại mẫu tượng thì nên thực hiện đúng theo sự thỏa thuận đó: Đến ngày giờ đó thì các anh lấy đất và chúng tôi sẽ chuyển tượng đi. Cần phải tôn trọng sự thỏa thuận đó.

Nếu anh tự động đến phá trước thời gian thỏa thuận thì không hay. Ở đây, chưa nói có phải đó là bản mẫu gốc, bản chính hay phác thảo, mà trước hết là phá tài sản của nhau. Về ứng xử văn hóa, rõ ràng là không hay. Đã thỏa thuận rồi mà anh lại đến phá thì càng không đúng.

Tác giả Kim Xuân cho biết là ông rất bức xúc về hành động phá mẫu tượng đó. Nếu là người trong cuộc, có tác phẩm bị phá như vậy, ông nghĩ sao?

Diễn biến thì tôi không nắm được chính xác. Nhưng anh đã trao đổi thỏa thuận rồi, nếu anh nghiêm túc thực hiện thì chắc chắn sẽ không xảy ra bức xúc như vậy, sẽ chẳng có chuyện gì cả.

Tôi hiểu được tác giả bức xúc vì sản phẩm lao động của mình bị xâm phạm, bức xúc cũng phải thôi. Có thể phía sau có chuyện này, chuyện khác, tiếng nói không thống nhất, cuối cùng là ứng xử với nhau không được văn hóa lắm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Xuân nói: “Tượng đài Thánh Dóng là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long rất thành công. Nhưng tôi vẫn coi mẫu tượng gốc bằng thạch cao qua 6 năm chỉnh sửa, hoàn thiện, với tất cả tâm huyết của mình là vô giá. Nhưng giờ thì không thể tìm lại được nữa…”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG