Trong khi tác giả cho rằng họ không tâm phục khẩu phục vì những nhận xét “vênh” nhau, có tính hình thức, vụn vặt thì Hội đồng thẩm định lại đưa ra nhiều dẫn chứng nói cuốn sách chưa phù hợp.
Trao đổi với Tiền phong, PGS TS Đào Đức Doãn, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Đạo đức cho biết, trong lần thẩm định SGK chương trình GDPT mới này, hội đồng thẩm định 6 bản thảo SGK môn Đạo đức 1. Sau vòng 2, có 5 bản mẫu SGK được đánh giá “Đạt” và 1 bản được đánh giá “Không đạt”, đó là SGK Đạo đức 1 Công nghệ giáo dục.
PGS Doãn lý giải, Hội đồng đã thừa nhận sách Đạo đức 1 Công nghệ giáo dục có những ưu điểm như: Các bài học gắn với những chuẩn mực đạo đức cụ thể, gần gũi học sinh; đã được áp dụng giáo dục đạo đức lối sống ở trường thực nghiệm là đáng quý.
Song đến vòng 2, sách Đạo đức 1 Công nghệ giáo dục vẫn có nhiều bài học chưa thể hiện đúng, đủ, chính xác yêu cầu cần đạt đã quy định trong chương trình môn học; cấu trúc sách không đáp ứng yêu cầu của Thông tư 33; phương pháp dạy học chưa tạo điều kiện cho giáo viên sử dụng các phương pháp dạy học tích cực và chưa khuyến khích học sinh phát huy tính tích cực học tập,.v.v..
Ông ví dụ, bài học Quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình không có nội dung quan tâm, chăm sóc cha mẹ là không đúng yêu cầu cần đạt của chương trình. Khi trả lời câu hỏi của Hội đồng, tác giả cho rằng, yêu bố mẹ là bản năng, kể cả bị bố mẹ đánh mắng, đứa trẻ vẫn sà vào lòng bố mẹ nên không cần thiết phải đưa nội dung quan tâm, chăm sóc bố mẹ vào bài học. Như vậy, về mặt nội dung là không đáp ứng.
Nhiều câu hỏi có tính chất áp đặt?
Về phương pháp dạy học, Hội đồng khẳng định sách không đáp ứng vì phương pháp dạy học trong các bài học có tính chất áp đặt. Ví dụ, khi yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi “Tại sao”, tác giả SGK đưa ra các đáp án đúng và có sẵn. Như vậy không khuyến khích tính sáng tạo của học sinh.
Hay tác giả đưa ra những câu lệnh không phù hợp với giáo dục như đặt ra các câu hỏi: “Em đã bao giờ bị điện giật chưa?”; “Em đã bao giờ bị bỏng chưa?”.v.v.. Thậm chí, tác giả đưa vào SGK những câu hỏi nhạy cảm như: “Em có em ruột không?”;.v.v... Nếu trong lớp học có những em có hoàn cảnh đặc biệt, mẹ đơn thân, bị bỏ rơi,… thì những câu hỏi như vậy sẽ tác động tiêu cực tâm lý học sinh.”, PGS nói.
Hội đồng cũng khẳng định, cấu trúc sách Đạo đức của tác giả Ngô Thị Tuyên được thiết kế theo các hoạt động học tập nhưng không đảm bảo theo quy định của Chương trình. Phương pháp dạy học trong SGK vẫn không tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh sử dụng các phương pháp dạy và học tích cực.
PGS TS Đào Đức Doãn cũng nói thêm, trong ngày làm việc (5/10), Hội đồng đã chỉ rõ cho tác giả những nội dung mà bản thảo SGK chưa đáp ứng được. Ví dụ: nhiều bài học chỉ có hoạt động thực hành trên lớp, không có hoạt động thực hành ở ngoài lớp học; nhiều bài học thiếu hẳn hoạt động thực hành hoặc hoạt động luyện tập; nhiều bài học tuy có ghi tên hoạt động thực hành nhưng nội dung không đáp ứng được yêu cầu của hoạt động này.
Một lý do nữa mà Hội đồng đánh giá Sách đạo đức Công nghệ 1 không đạt yêu cầu là ngay từ phần Hướng dẫn sử dụng sách, tác giả đã yêu câu học sinh “quan sát kỹ các hành vi các hoạt động trong đó để làm theo” hay yêu cầu học sinh “thuộc lòng các bài ghi nhớ”. Đó là hoạt động áp đặt không phù hợp với yêu cầu đổi mới của chương trình.
PGS Doãn khẳng định, Hội đồng thẩm định không cứng nhắc trong đánh giá các hoạt động học tập trong SGK, chỉ yêu cầu phải thể hiện đủ các hoạt động học tập theo quy định trong chương trình vì học sinh phải trải qua các hoạt động đó mới hình thành được phẩm chất và năng lực. Việc thiết kế nội dung các hoạt động, xây dựng các tình huống như thế nào là do tác giả chủ động, sang tạo. Các tác giả phải tuân thủ các quy định của chương trình. Nếu không thì đổi mới giáo dục thành công thế nào được”, ông nói.