Oxy y tế, thứ vũ khí thiết yếu nhưng nguy hiểm

0:00 / 0:00
0:00
Bình oxy được sử dụng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Bình oxy được sử dụng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
TPO - Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm oxy y tế tại các bệnh viện ở Ấn Độ liên quan đến quá trình bảo quản và vận chuyển nghiêm ngặt.

Tình trạng thiếu oxy y tế, oxy y tế chỉ còn đủ dùng vài giờ xảy ra ở nhiều bệnh viện tại Ấn Độ những ngày qua, làm giảm vũ khí chống lại đợt ‘sóng thần” COVID-19 của quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Nhật báo Indian Express đưa thông tin, có bệnh viện phải chấp nhận rút máy thở của những bệnh nhân lớn tuổi, nhường lại cho người trẻ có cơ hội sống sót cao hơn.

Tình trạng khan hiếm oxy ở các bệnh viện tại Ấn Độ có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là tình trạng rải rác của các nhà máy tạo oxy ở nhiều bang, trong khi quá trình bảo quản, vận chuyển oxy đòi hỏi một quy trình nghiêm ngặt.

Oxy được sử dụng phổ biến trong các hoạt động công nghiệp và y tế. Trong công nghệ hàn, người ta thường bổ sung thêm oxy vào hỗn hợp khí giúp tăng sự thấm ướt, tránh được sự lõm khuyết và rỗ xốp trong mối hàn. Oxy cũng được sử dụng trong công nghiệp luyện thép, hàn cắt kim loại, đóng tàu, nuôi trồng thủy sản và xử lý nước thải.

Tuy nhiên, khác với oxy công nghiệp có thể lẫn các chất khí khác, oxy được sử dụng trong y tế có độ tinh khiết cao, không màu, không mùi. Oxy y tế được sử dụng để cứu những người bị ngạt, bị bệnh tim, các bệnh về hô hấp, rối loạn nhịp thở. Bên cạnh đó, khí oxy y tế khi ở dạng cao áp còn được sử dụng để điều trị ngộ độc carbon monoxide (CO), hoại tử khí và các bệnh chuyên biệt về oxy.

Bình khí oxy được sử dụng qua các thiết bị hô hấp, hỗ trợ thở. Khi người bệnh gặp phải các trường hợp cần cấp cứu như ngạt thở, bệnh tim hoặc cần điều trị rối loạn thở, gây mê thì bình thở oxy là giải pháp quan trọng hàng đầu để hỗ trợ chăm sóc và phục hồi sức khỏe. Những người leo núi hay các phi hành gia vũ trụ cũng thường mang theo oxy.

Tuy nhiên, việc bảo quản và vận chuyển oxy tiềm ẩn nhiều rủi ro do đặc tính dễ cháy nổ. Vì vậy, oxy được xếp vào nhóm hàng hóa vận chuyển quy hiểm. Việc lưu trữ, vận chuyển oxy phải được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật như đựng trong bình chuyên dụng, vận chuyển bằng xe riêng.

Quá trình di chuyển, đơn vị vận chuyển thường dùng dây xích để giữ các bình khỏi đổ ngã, tránh va chạm có thể dẫn đến rò rỉ, khi gặp nguồn nhiệt gây cháy nổ. Bình oxy cũng được lưu trữ tại những nơi cách xa nguồn nhiệt, điện.

Trên thực tế, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ những ngày qua, nhiều bệnh viện ở Ấn Độ ghi nhận hỏa hoạn do lưu trữ oxy như vụ hỏa hoạn ngày 23/4 tại một bệnh viện miền Tây Ấn Độ khiến 13 người thiệt mạng. Hầu hết các vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ những phòng điều trị đặc biệt bệnh nhân COVID-19, nơi sử dụng bình oxy để điều trị các bệnh nhân.

Hiện nay, oxy y tế được sản xuất tại các nhà máy, tuy nhiên các bệnh viện cũng có thể tự tạo nguồn oxy thông qua các máy tạo oxy được cung cấp trên thị trường. Bộ Y tế Việt Nam mới đây đã yêu cầu rà soát năng lực sản xuất oxy y tế tại Việt Nam đề phòng trường hợp dịch COVID-19 bùng phát.

MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...