Ôtô ‘dính’ đường lưỡi bò: Xử nặng theo lý hay nhẹ theo tình?

Mẫu xe Hanteng có kiểu dáng giống dòng xe cao cấp F-Pace của Jaguar (Anh). Ảnh: Internet
Mẫu xe Hanteng có kiểu dáng giống dòng xe cao cấp F-Pace của Jaguar (Anh). Ảnh: Internet
TPO - Liên tiếp một số trường hợp nhập khẩu ôtô về Việt Nam dính đường lưỡi bò phi pháp bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, với giá trị chiếc xe quá lớn, doanh nghiệp lại rơi vào tình huống bị động, bất ngờ nên nhiều đơn vị làm đơn khiếu nại để được xem xét, xử lý thấu đáo.

Khiếu nại vì…bị oan

Câu chuyện chủ quyền quốc gia "nóng" trong năm 2019 khi nhiều ấn phẩm như sách báo, quả địa cầu, điện thoại,…rồi đến ôtô nhập khẩu (NK) về Việt Nam bị cài sẵn bản đồ định vị có đường lưỡi bò phi pháp. Đáng chú ý, liên tiếp cuối tháng 10/2019, cơ quan chức năng phát hiện một số DN nhập khẩu ôtô dính bản đồ này.

Cụ thể, có 7 ôtô hiệu Hanteng X7 của Cty TNHH Ô tô Hoa Mai (Hải Phòng) NK về qua Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ; 2 xe Volkswagen Touareg CR745J được Cty TNHH Ô tô Thế giới nhập về qua cảng TP.HCM để phục vụ trưng bày ở Hội chợ triển lãm ôtô Việt Nam 2019.

Với 2 xe Volkswagen, ngày 4/12/2019, Tổng cục Hải quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Cty TNHH Ôtô Thế giới về hành vi sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia. Công ty này còn bị phạt về hành vi không bảo quản nguyên trạng hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan. Tổng số tiền xử phạt hành chính đối với công ty này là 40 triệu đồng, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm là 2 xe Touareg.

Riêng với trường hợp 7 ô tô Hanteng X7, ngày 20/12, Tổng cục Hải quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Cty TNHH Ô tô Hoa Mai về hành vi sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia với mức phạt 30 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn chịu hình thức phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm là 7 xe Hanteng X7.

Ngày 4/3, khi được hỏi về tình trạng 7 chiếc xe này, ông Phạm Quốc Vũ, Giám đốc Cty THHH Ô tô Hoa Mai cho biết, doanh nghiệp (DN) đã làm đơn khiếu nại gửi Tổng cục Hải quan vì bị oan.

Theo ông Vũ, công ty ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc nhập 12 xe ôtô Hanteng về để làm mẫu nghiên cứu lắp ráp. “Chúng tôi đặt hàng đối tác từ tháng 6, nhưng đến tháng 10 mới có xe về. Do sơ suất nên công ty không biết trong số này có 7 xe Hanteng X7 bị cài bản đồ có đường lưỡi bò”, ông Vũ phân trần.

Theo ông Vũ, trước thời điểm công ty làm thủ tục nhập khẩu (tháng 6/2019) cho đến khi nhập xe về cảng Đình Vũ, DN không nhận được bất kỳ khuyến cáo hay hướng dẫn gì của cơ quan chức năng, kể cả Hải quan về việc kiểm tra đường lưỡi bò trên hàng hóa ô tô.

"Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13, trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ không bị xử phạt. Ngoài ra, việc Tổng cục Hải quan áp dụng các điều khoản của Nghị định 159/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản để xử phạt doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng ôtô là không đúng văn bản pháp luật, không phù hợp với tính chất vụ việc”, ông Vũ cho hay. 

Phải xử lý thật nặng (?!)

Xác nhận với Tiền Phong về vấn đề này, một lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, đã tiếp nhận đơn khiếu nại của DN, đang xem xét giải quyết theo Luật Khiếu nại và các văn bản hướng dẫn thi hành. “Tuy nhiên, quan điểm của Tổng cục Hải quan phải xử lý thật nặng các DN nhập sản phẩm vi phạm chủ quyền quốc gia”, vị này cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, để đưa ra được quyết định xử phạt trên đối với doanh nghiệp, đơn vị này đã phải họp liên ngành với các bộ Công an, Tư pháp, Công thương, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cả Văn phòng Chính phủ vào ngày 4/11/2019.

Kết thúc cuộc họp, các bên đều thống nhất vụ việc nhập xe ô tô dính đường lưỡi bò của Cty TNHH Ô tô Hoa Mai phải bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 20 Nghị định 159/2013/NĐ-CP, đồng thời tịch thu các xe ô tô nhập khẩu trên.

Ngày 15/11, Bộ Tư pháp cũng có văn bản phản hồi Tổng cục Hải quan, khẳng định hình thức xử phạt trên là đúng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT công ty Luật Basico, các trường hợp nhập ôtô về dính đường lưỡi bò ở thiết bị định vị trên đều là lần đầu DN gặp phải. Do đó, các bộ ngành và nhà chức trách cần xem xét, xử lý cho thấu tình, đạt lý, nhất là việc tịch thu toàn bộ xe bởi ô tô giá trị rất cao, khác hẳn với các văn hóa phẩm bình thường.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP (Nghị định 17) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu (NK) và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bão dưỡng ô tô. 

Đáng chú ý, có một điểm hoàn toàn mới là Nghị định 17 bổ sung quy định tạm dừng hiệu lực Giấy phép kinh doanh NK ô tô đã cấp cho DN trong trường hợp ô tô nhập về có phần mềm thiết bị định vị chứa bản đồ vi phạm chủ quyền Việt Nam. Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị tạm dừng này, nếu DN khắc phục hoàn toàn vi phạm sẽ được xem xét hủy bỏ quyết định. Trường hợp không khắc phục, DN sẽ bị thu hồi giấy phép.

MỚI - NÓNG