Ngay đầu Thông báo (số 12/TB-UBND, ngày 19/1/2013 gửi cho Thành ủy, HĐND, sở, ban, ngành và các cơ quan báo chí thuộc thành phố), ông Văn Hữu Chiến khẳng định Thanh tra Chính phủ đã “không có cơ sở” khi kết luận: “Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (của Đà Nẵng) thiếu căn cứ, cơ sở, chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thực tế của địa phương. Tình trạng đất đai sau khi được san lấp, giải tỏa, chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất để hoang hóa lớn, ít dự án đầu tư được thực hiện”. Theo lãnh đạo Đà Nẵng, thành phố có chủ trương “đón đầu xu thế phát triển”, “quy hoạch đi trước một bước” và đều thực hiện theo đúng quy hoạch sử dụng đất đã được Thủ tướng phê duyệt !…
Về sai phạm trong đấu giá và giao quyền sử dụng đất, KLTT chỉ rõ: “Việc đấu giá quyền sử dụng đất trong những năm qua, UBND thành phố Đà Nẵng triển khai không tốt, từ khâu ban hành quy chế đấu giá đến tổ chức thực hiện không tuân thủ Luật Đất đai và Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tỷ lệ các phiên đấu giá thành công quá thấp, chưa tạo được thị trường bình đẳng, khách quan khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhằm thu cho ngân sách Nhà nước có hiệu quả… Tình trạng giao đất không thông qua đấu giá còn phổ biến dẫn đến việc xác định giá thu tiền sử dụng đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường, tạo điều kiện để một số nhà đầu tư đầu cơ, thu lợi”.
Tuy nhiên, văn bản phản hồi của ông Văn Hữu Chiến lại khẳng định: “Tất cả các trường hợp giao đất cho các tổ chức, cá nhân đều được công khai đấu giá và giao quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm”.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ kết luận 6 dự án gây thất thoát lớn cho nhà nước. Cụ thể: Khu đất 29ha thuộc dự án Sân golf Đa Phước giao cho Công ty CP 79 (của Phan Văn Anh Vũ tức Vũ “Nhôm”) thấp hơn mức giá thành phố quy định, làm lợi cho Vũ "Nhôm" trên 570 tỷ đồng; Khu đất chuyển nhượng cho Công ty Phúc Thiên Long đã được UBND thành phố xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 2007, qua 4 lần gia hạn nộp tiền, đến tháng 9/2009, Công ty Phúc Thiên Long mới nộp tiền sử dụng đất nhưng thành phố không xác định lại giá, gây thất thu trên 120 tỷ đồng. Và lập tức được nhà đầu tư chuyển nhượng cho người khác thu lợi trên 498 tỷ đồng; Khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng, được thành phố chuyển nhượng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc năm 2006 với giá 84 tỷ đồng.
Đến năm 2008, ông Hải và bà Ngọc không triển khai thực hiện dự án, đã ủy quyền cho Vũ "Nhôm" chuyển nhượng lại cho ông Phạm Đăng Quan với giá trên 581 tỷ đồng, phi vụ này Vũ "Nhôm" “bỏ túi” gần 500 tỷ đồng. Đến năm 2009, ông Phạm Đăng Quan lại chuyển nhượng tiếp cho người khác với giá 585 tỷ đồng; Hai khu đất A2, A3 và khu A4, A5 (đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc) được thành phố chuyển nhượng cũng tạo cơ hội cho các cá nhân thu lợi hàng trăm tỷ đồng. Cũng như vậy, khu đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Công ty Tân Cường Thành tính giá thấp hơn giá thành phố Đà Nẵng quy định là trên 67 tỷ đồng.
Hàng ngàn tỷ đồng lời lãi từ 6 dự án kể trên Vũ "Nhôm" và một số cá nhân “bỏ túi” gọn ơ, thiệt hại thuộc về Nhà nước. Những sai phạm thuộc về giai đoạn ông Trần Văn Minh làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (2003-2011) và kế tục là ông Văn Hữu Chiến (2011-2015).
Thế nhưng, văn bản phản bác của ông Văn Hữu Chiến vẫn khăng khăng cho rằng: “Thanh tra Chính phủ kết luận (UBND TP Đà Nẵng - PV) gây thất thu ngân sách hơn 3.434 tỷ đồng là không có cơ sở, thiếu tính thuyết phục. Việc xác định, quyết định giá giao quyền sử dụng đất được bàn bạc tập thể lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng là đúng thẩm quyền, có căn cứ theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, phù hợp với giá thị trường tại thời điểm”. Ngoài ra, những lý do mà lãnh đạo UBND Đà Nẵng đưa ra đều là do “khách quan”. Việc Vũ Nhôm và một số người thu lợi hàng ngàn tỷ đồng sau khi bán lại mấy khu đất dự án, được ông Văn Hữu Chiến lý giải là do số người trên “nâng khống giá trị khu đất nhằm vay ngân hàng số tiền lớn”! Hay như với khu đất 29ha thuộc dự án Sân golf Đa Phước mà Vũ "Nhôm" thu lợi trên 570 tỷ đồng, lãnh đạo Đà Nẵng lý giải: “Do chủ đầu tư phải bỏ ra 100% chi phí để làm kè, san lấp mặt bằng nên việc thành phố thu tiền sử dụng đất với giá 300.000 đồng/m2 là phù hợp với giá thị trường tại thời điểm”.
Và để “nghiêm trọng” vấn đề hơn, trong văn bản phản hồi nêu trên, ông Văn Hữu Chiến khẳng định: “Kết luận này làm ảnh hưởng rất lớn đến phong trào cách mạng của thành phố và quá trình thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”!
Thấy gì trên thực tế?
Không phủ nhận những kết quả của Đà Nẵng trong quy hoạch hạ tầng một cách khang trang, đồng bộ, nhưng rõ ràng việc quản lý, sử dụng đất đai của thành phố này là khá lỏng lẻo. Đến cuối năm 2014, khi ông Văn Hữu Chiến chuẩn bị nghỉ hưu theo chế độ (ngày 1/1/2015), thành phố mới “ngã ngửa” ra khi phát hiện có tới 17.000 lô đất tái định cư bị các ban quản lý dự án đất TĐC “giấu nhẹm”! Trong khi thành phố vẫn còn nợ đất TĐC của dân trong các vùng giải tỏa suốt thời gian dài, khiến dân vô cùng bức xúc. Kết quả, văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cùng các BQL chỉ bị kiểm điểm!
Trên thực tế, suốt thời gian dài, Vũ "Nhôm" đã nhận được sự ưu ái đến mức khó tin từ hầu hết lãnh đạo của Đà Nẵng, để kiếm chác. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố này vẫn ra sức bao biện, che chắn cho đối tượng này. Để đến giờ, Vũ "Nhôm" đã bị bắt để mở rộng điều tra về việc thành phố chuyển nhượng 9 dự án cùng 31 nhà đất công sản thuộc loại “khủng” ngay trung tâm, chứ không phải con số ban đầu như trong KLTT của Thanh tra Chính phủ năm 2013.